Hội thảo được kết nối trực tuyến đến các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sở Văn hóa - Thể thao và các địa phương trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đề cập qua nhiều văn kiện của Đảng. Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Việc ban hành Chiến lược này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, qua 8 năm triển khai Chiến lược, công nghiệp văn hóa đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, phải tranh thủ thời cơ để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng phải có tầm cao hơn, khẳng định được nhận thức, vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa ở tầm cao mới.
“Từ nhận thức đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đồng thời Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng phê duyệt ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và hoàn thành trong năm nay. Tuy thời gian gấp rút nhưng Chiến lược phải tạo sự chuyển biến cho công nghiệp văn hóa, trên cơ sở sự phát triển nhận thức, đáp ứng các yêu cầu ở tầm cao mới, thể hiện sự nỗ lực vươn mình vào kỷ nguyên mới”, Thứ trưởng Hồ An Phong nêu rõ.
Dự thảo Chiến lược gồm 2 điều, 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành công nghiệp văn hóa trọng tâm gắn với giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động và trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.
Góp ý tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Dự thảo Chiến lược cần lựa chọn khu vực phát triển công nghiệp văn hóa sát với thực tiễn thực hiện ở các địa phương. Đồng thời cần định hình trung tâm dữ liệu để phát triển công nghiệp văn hóa có bước đi vững vàng hơn.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Phương cũng khẳng định, bước đi trọng điểm căn cơ trong xây dựng Chiến lược là phải có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan...
Đồng quan điểm về sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện Chiến lược, Tiến sĩ Tom Flemming - Hội đồng Anh cho rằng, hiện nay là thời điểm Việt Nam cần nắm bắt để có sự chuyển mình trong phát triển công nghiệp văn hóa. Theo Tiến sĩ Tom Flemming, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, giữa khu vực công và tư thực sự chưa đồng bộ. Sự tham gia của các tổ chức cơ sở, nhất là các tổ chức chịu tác động của hệ thống chính sách còn mang tính hình thức.
“Các quy định pháp lý liên quan đến việc huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là lĩnh vực được ưu tiên, khi sự phát triển văn hóa vẫn gặp phải những rào cản, điểm nghẽn đáng kể cả từ nhận thức xã hội và các quy định pháp lý không theo kịp với hoàn cảnh đang thay đổi”, Tiến sĩ Tom Flemming nhận định.
Tiến sĩ Tom Flemming cho rằng, cần định vị và quảng bá Việt Nam và các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường thế giới một cách mạnh mẽ hơn. Tạo ra khung pháp lý, cơ chế để khuyến khích và thu hút nhiều hơn về đầu tư tư nhân và bảo đảm vai trò tham gia của khu vực tài chính. Điều này có thể thực hiện qua các Quỹ đầu tư.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, sau hội thảo này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng giao Cục Bản quyền tác giả hoàn thiện dự thảo và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia liên quan góp ý trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.