Tổng hợp COVID-19 tuần từ 22-28/11:

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc biến chủng mới Omicron; Ngày 28/11 cả nước có 12.928 ca F0

Theo Bộ Y tế, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2, hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron. Ngày 28/11, cả nước ghi nhận 12.928 ca mắc mới, trên 1.700 ca khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine mũi 2 cho người dân. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19

Trước đó, ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana...

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).

Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron, nhưng để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Đồng thời, Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến, đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế cho biết: Từ 16 giờ ngày 27/11 đến 16 giờ ngày 28/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.936 ca mắc mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 12.928 ca ghi nhận trong nước (giảm 120 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố; có 7.100 ca trong cộng đồng. Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (452 ca), Bến Tre (257 ca), Hải Phòng (106 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.102 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.210.340 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.282 ca mắc).  Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.205.128 ca, trong đó có 955.819 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.  

Ngày 28/11, cả nước ghi nhận 190 ca tử vong; Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 72 ca, trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (5 ca), An Giang (2 ca), Tiền Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 160 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.882 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%. Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 9 trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhận giấy chứng nhận tiêm chủng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nỗ lực trong sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các giải pháp khác”. Trong đó vaccine, thuốc điều trị có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước là sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước để chủ động phòng chống dịch bệnh, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, của con người Việt Nam, nhất là truyền thống sáng tạo của ngành dược, ngành y tế trong sản xuất vaccine, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân...

Các bộ, ngành, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cả về mặt nghiên cứu, hành chính, pháp lý... phấn đấu sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch, trên cơ sở luật pháp, điều kiện thực tế của Việt Nam; chống mọi sách nhiễu, tiêu cực, chạy đua thiếu lành mạnh, lợi ích nhóm; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát thể chế, trên tinh thần là vấn đề gì liên quan bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó chịu trách nhiệm tháo gỡ; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đối với việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phải do Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo, phân bổ, hướng dẫn; các địa phương không tự ý thực hiện.  

Nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong

Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác điều trị, hồi sức tích cực, đánh giá nguyên nhân tử vong và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, từ ngày 27/4 làn sóng thứ 4 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng các địa phương. Đến ngày 30/9, Việt Nam về cơ bản kiểm soát được tình hình dịch của đợt dịch thứ 4. Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị. Đến nay đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp; đồng thời Bộ cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng về cơ bản, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, ba điểm quan trọng được đưa ra gồm: Xây dựng gói thuốc A- gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khỏe; đưa thuốc kháng viêm-kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp; áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thời gian qua, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.

Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Ngoài ra, thuốc đã giúp đã giảm tỷ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu. Các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công. Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, như thuốc Favipiravir, thuốc Avigan…

Hiện, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho các địa phương. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.

Chú thích ảnh
Huyện Yên Bình (Yên Bái) xét nghiệm trên diện rộng đối với người dân trên địa bàn sau khi phát hiện ca dương tính COVID-19 ngoài cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tiêm đủ liều vaccine vẫn có thể mắc COVID-19

Thời gian gần đây, một số địa phương có thông tin cho biết có những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh với tỷ lệ khá cao và có cả trường hợp tử vong.

Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia và Bộ Y tế đều có ý kiến cho rằng: Khi cả nước điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình mới, cho phép nhiều hoạt động trở lại bình thường, việc giao lưu qua lại giữa các địa phương sẽ tăng lên, người dân cũng tăng tiếp xúc trong cộng đồng. Trong khi đó, nhiều người dân đi từ vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao, bùng phát dịch mạnh như ở các tỉnh, thành phố phía Nam về các địa phương khác và trở thành nguồn lây cho địa phương, trong đó có cả những địa phương từ trước tới giờ chưa từng xuất hiện ca bệnh nào.

Đáng lưu ý, trong số những người mắc bệnh có khá nhiều ca không triệu chứng nên dịch có thể âm thầm lây lan rất khó nhận biết, gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là ở những vùng có tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh còn thấp. Ngay cả với vùng đã tiêm đầy đủ vaccine, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo: Vaccine phòng COVID-19 không phải là lá chắn tuyệt đối, người dân dù đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tuân thủ nghiêm túc biện pháp phòng bệnh. Theo nhiều chuyên gia y tế, những người đã tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng thường là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất nhẹ, ít có biểu hiện trở nặng.

Những người tiêm vaccine, khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa nên có thể nói giá trị lớn nhất của vaccine phòng COVID-19 chính là ở điểm này. Những trường hợp đã tiêm vaccine khi mắc bệnh chuyển nặng, đa số là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc người mới tiêm 1 mũi vaccine. Tuy vậy, những người tiêm vaccine rồi khi mắc bệnh vẫn sẽ là nguồn lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng, từ đó làm lây lan dịch bệnh, nhất là ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt dễ lây cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, sức đề kháng kém và trẻ em.

Mặt khác, khi đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19, khả năng miễn dịch cũng sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tiêm tăng cường.  Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra khuyến cáo: Không nên chỉ dựa vào vaccine mà lơ là trong phòng dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác. Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh cho người khác.

Tiếp cận hộ gia đình có F0 trong vòng 24 giờ  

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Quyết định số 4028/QĐ-UBND quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn thành phố. Quy định này nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo chặt chẽ, chủ động và có hiệu quả trong quản lý F0 tại nhà và cộng đồng.  

Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà bao gồm trạm y tế xã và trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng.

Cụ thể, trạm y tế xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn; phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 được chăm sóc tại nhà do trạm y tế xã và các trạm y tế lưu động đảm trách. Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các trạm y tế chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật danh sách, số điện thoại liên lạc của các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...) để có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc phù hợp (tiêm vét vaccine tại nhà đối với người không thể đến điểm tiêm được, cách ly tập trung người F0 thuộc các hộ gia đình này...). Công bố số điện thoại của trạm y tế xã và số điện thoại của các trạm y tế lưu động trên cùng địa bàn để người dân biết và gọi khi cần hỗ trợ.  

Ngoài ra, mỗi trạm y tế lưu động phải có 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh điều động và ít nhất 3 nhân sự (không phải y tế) do địa phương điều động. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 hộ có F0. Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0 từ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý, tùy theo diễn tiến của bệnh có thể cấp phát thuốc bổ sung theo điều trị của phác đồ. Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người mắc COVID-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất…  

Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), UBND cấp xã, huyện, trung tâm y tế cấp huyện, Sở Thông tin và truyền thông, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các bệnh viện... trong chăm sóc và quản lý F0 tại nhà. Trong đó, ngoài các giải pháp chuyên môn cấp vĩ mô, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị y tế… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phải xác định ngưỡng năng lực chăm sóc và điều trị F0 tại nhà, kịp thời báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố triển khai các giải pháp phù hợp khi số F0 dự báo sắp vượt ngưỡng.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Từ ngày 27/11, Hậu Giang chính thức tổ chức cách ly y tế F1 tại nhà trên địa bàn tỉnh. Việc cách ly y tế F1 tại nhà nhằm giảm tải nhân lực y tế, nhân lực các tổ chuyên môn, an ninh trật tự, phục vụ hậu cần của khu cách ly tập trung, để tập trung nguồn nhân lực y tế chăm sóc cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện; đồng thời, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, tạo tâm lý thoải mái cho người cách ly...

Cùng đó, việc cách ly F1 tại nhà nhằm giảm chi phí cách ly và quản lý người cách ly; nâng cao ý thức, nhận thức về phòng, chống dịch COVID-19 của F1 và các thành viên trong gia đình khi thực hiện cách ly tại nhà. Tuy nhiên để được cách ly tại nhà, các trường hợp F1 phải ký cam kết tuân thủ các quy định như: Ăn riêng, ngủ riêng, giặt riêng, đồ dùng riêng, xử lý rác thải riêng... phải cách ly 14 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ít nhất 3 lần kể từ khi bắt đầu cách ly.

Người cách ly sau khi hoàn thành cách ly y tế phải tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo. Cơ sở cách ly thực hiện nghiêm việc tư vấn hướng dẫn sau hoàn thành cách ly, ghi nhận đầy đủ thông tin, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trường hợp nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Chú thích ảnh
Các điểm tiêm lưu động ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với tổng số hơn .000 em. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Sóc Trăng nâng cấp độ dịch COVID-19 lên cấp 3, từ 00 giờ ngày 29/11  

Ngày 28/11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 00 giờ ngày 29/11, tỉnh Sóc Trăng nâng cấp độ dịch COVID-19 từ cấp 2 - nguy cơ trung bình ("vùng vàng") lên cấp 3 - nguy cơ cao ("vùng cam").  

Tỉnh phân loại cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với cấp huyện và cấp xã. Đối với cấp huyện, có 2 đơn vị cấp độ dịch "vùng xanh", 2 đơn vị "vùng vàng" và 7 đơn vị "vùng cam". Riêng cấp xã có 34 đơn vị "vùng xanh", 43 đơn vị "vùng vàng", 32 đơn vị có cấp độ dịch "vùng cam".  

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp, mỗi ngày, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, đặc biệt ca nhiễm trong cộng đồng phát sinh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chỉ trong ngày 27/11, tỉnh ghi nhận 714 ca mắc COVID-19, trong đó có đến 486 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng nhận định, khả năng sẽ còn nhiều trường hợp ca nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng hoặc các trường hợp F1 nguy cơ cao chưa được cách ly kịp thời.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết, hạn chế số lượng người làm việc tại cơ quan và không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa thật sự cần thiết trong thời gian này để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh…

V.T/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/11: Trên 13.000 ca mắc mới, nhiều địa phương không rõ nguồn lây
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/11: Trên 13.000 ca mắc mới, nhiều địa phương không rõ nguồn lây

Ngày 27/11, Việt Nam ghi nhận thêm 13.063 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. So với ngày trước, số ca nhiễm mới tuy có giảm (46 ca) nhưng một số địa phương lại tăng nhanh, không rõ nguồn lây. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhanh chóng thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước để chủ động phòng, chống dịch và yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN