Việt Nam chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi

Tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022, chiều 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngay từ bây giờ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, để khi vaccine về vào cuối tháng 10, có thể tổ chức tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho các cháu.

Tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc tổ chức dạy học năm 2021-2022 đã được các địa phương triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 của từng tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, các địa phương đã ban hành kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch với các phương án dạy và học phù hợp. Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục xây dựng ít nhất 3 phương án dạy: Dạy học trực tiếp; dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học theo ca và thực hiện giãn cách; dạy học trực tuyến. Đến ngày 12/10, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh, trẻ em (cùng gia đình) di chuyển từ các tỉnh, thành phố về quê; yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại nơi cư trú, bố trí lớp học theo đúng đối tượng, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch của nhà trường.

Ngoài ra, việc tổ chức giảng dạy trực tuyến trong giáo dục Đại học đã dần ổn định. Nhiều cơ sở chủ động tổ chức các khóa học tập trực tuyến năm học 2021-2022 từ tháng 8/2021 để hoàn thiện khối lượng chương trình, bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch học tập đã xây dựng. Về công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, sát sao với diễn biến dịch bệnh. Các cơ sở giáo dục Đại học linh hoạt triển khai nhiều phương thức xét tuyển theo tinh thần vừa thực hiện đúng quyền tự chủ trong tuyển sinh, vừa đảm bảo quyền lợi cao nhất của thí sinh cũng như an toàn trong dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời điểm kết thúc năm học 2021-2022 sẽ linh hoạt. Đối với những nơi có dịch, tùy vào tình hình thực tế, có thể kết thúc năm học muộn hơn. Tuy nhiên, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, hình thức học trên truyền hình, học trực tuyến vẫn là công cụ để bổ trợ, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao khả năng tự học của học sinh. Việc ban hành chương trình học cốt lõi được áp dụng trong thời gian học trực tuyến cũng như học trực tiếp, sau đó, mới củng cố, mở rộng kiến thức.

Khó khăn về nguồn cung thiết bị học trực tuyến

Đối với việc triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, đến ngày 12/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được đề xuất nhu cầu ủng hộ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố với tổng số trên 2,2 triệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Bộ Giáo dục và Đào tạo vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng “Thư viện thiết bị điện tử” để cho học sinh mượn thiết bị học tập. Hiện ngành Giáo dục đã huy động được khoảng 66,82 tỷ đồng và hơn 800 nghìn thiết bị; đồng thời, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương đang giãn cách xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, đến nay đã hoàn thành 100% các điểm cần phủ sóng Internet để bảo đảm học trực tuyến cho các em học sinh ở vùng dịch; có đủ nguồn kinh phí mua 1 triệu thiết bị học trực tuyến cho học sinh. 

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, dự kiến, đến hết tháng 11/2021, khoảng 100 nghìn thiết bị học trực tuyến đầu tiên sẽ đến tay các em học sinh. Hiện các nhà tài trợ đã và đang thực hiện việc mua sắm các thiết bị học trực tuyến nhưng gặp khó khăn về nguồn cung. Do đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị tài trợ mong muốn, đến cuối năm 2021 sẽ đạt mục tiêu cung cấp 1 triệu thiết bị học trực tuyến cho học sinh nhưng trong trường hợp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, chậm nhất trong quý I năm 2022, chương trình này sẽ hoàn thành.

Chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi

Về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. “Dự kiến, ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em này”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, cả nước hiện có khoảng 8,1 triệu trẻ từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho 95% tổng số nhóm trẻ này. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine. 

“Cùng với tiến độ tiêm vaccine chung trên cả nước, ngành Giáo dục, Y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết; đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá, củng cố, hoàn thiện công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng mở lại trường học.

Bảo đảm an toàn khi học sinh quay trở lại trường học

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trong điều kiện dịch COVID-19 tác động gây ra nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đã có nhiều cách làm mới, đáng khích lệ, đặc biệt trong việc thúc đẩy thêm một bước đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, tự học của học sinh, phân biệt được những nội dung có tính cốt lõi và nội dung bổ trợ với nhiều hình thức dạy và học linh hoạt. Cùng với đó, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh Đại học cơ bản đạt yêu cầu đề ra. 

Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình dạy học trực tuyến và trên truyền hình, đã cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc học trực tuyến, học trên truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ, không tránh khỏi những tác động không mong muốn. 

Trước những khó khăn trong việc triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nỗ lực hơn nữa để sớm có thiết bị học tập cho học sinh; đồng thời lưu ý các kiến nghị của doanh nghiệp về miễn phí nền tảng, băng thông phục vụ học trực tuyến và có cách thức tính toán đảm bảo đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh phủ sóng Internet, kể cả ở vùng không có dịch bởi học trực tuyến, học trên truyền hình vẫn là phương thức học bổ trợ lâu dài.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh, an toàn thông tin trong môi trường giáo dục, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị viễn thông, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm hình thành những phần mềm, ứng dụng học trực tuyến đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục phải có kế hoạch, giải pháp bảo đảm hoàn thành năm học theo kế hoạch; bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh những hình thức phù hợp trong ngắn hạn cũng như trong những năm học tiếp theo. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần sẵn sàng các khâu chuẩn bị để công tác thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học năm 2021-2022, đánh giá kết quả học tập định kỳ cũng như tổ chức kết thúc năm học linh hoạt trong mọi tình huống.

Trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, việc thẩm định, xuất bản và đưa sách giáo khoa đến học sinh và gia đình được triển khai tương đối tốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục sát sao hơn nữa trong công tác đổi mới chương trình, chuẩn bị và đưa sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu”. Từ kinh nghiệm phân phối sách giáo khoa trong điều kiện dịch bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng, giải pháp thực hiện tuyển chọn, thẩm định, xuất bản sách giáo khoa, thống nhất nhu cầu của từng bộ sách và ứng dụng đặt mua trực tuyến đưa sách đến tận tay học sinh đã khắc phục được tình trạng sách giả. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch tiếp tục đổi mới công tác trang bị dụng cụ học tập trong nhà trường; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; thay thế một số học cụ, công cụ bằng các công cụ công nghệ thông tin.

Về y tế, Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phấn đấu hết năm nay cơ bản kiểm soát dịch trên toàn quốc, đưa lại cuộc sống bình thường mới; do đó, kế hoạch của ngành Giáo dục cũng cần bám sát mục tiêu này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát các quy định đảm bảo an toàn học đường phù hợp với điều kiện giáo viên, phụ huynh đã được tiêm vaccine, sắp tới học sinh từ 12-17 tuổi cũng sẽ được tiêm. Cùng với đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trao đổi với nhà khoa học để có lộ trình tiêm cho học sinh dưới 12 tuổi.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức tiêm vaccine sớm và an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ. Ngay từ bây giờ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, để khi vaccine về vào cuối tháng 10, có thể tổ chức tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho các cháu”, Phó Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường để tất cả học sinh có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe, bảo vệ cho nhóm học sinh chưa được tiêm vaccine, bởi trong điều kiện bình thường mới, vẫn có thể xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. “Tinh thần là đến trường phải an toàn, trong trường học là môi trường an toàn. Đặc biệt, ngành Giáo dục cần lưu ý đến chăm lo tâm lý học đường, tâm lý học sinh trong và sau mùa dịch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các nhà trường củng cố cơ sở vật chất trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gắn với việc bảo đảm Internet cũng như các yếu tố đáp ứng việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bám sát Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để tiến hành sơ kết, tổng kết từng nhiệm vụ đã triển khai, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Diệp Trương (TTXVN)
Dừng hoạt động các trường học ở Quy Nhơn do có ca mắc COVID-19
Dừng hoạt động các trường học ở Quy Nhơn do có ca mắc COVID-19

Sáng 12/10, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết, kết quả test nhanh trong ngày 11/10 của các trường hợp liên quan đến một học sinh của Trường THPT Trưng Vương (thành phố Quy Nhơn) mắc COVID-19 đều cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN