Đây là lần thứ 7 chỉ số OBI được công bố trên toàn cầu và ở Việt Nam và là lần thứ 2 chỉ số MOBI được công bố. Kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về công khai minh bạch ngân sách cấp quốc gia và cấp bộ, ngành nhưng vẫn có thể cải thiện thêm để thực hiện tốt hơn Luật ngân sách nhà nước 2015.
Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc CDI cho biết, sau 7 kỳ khảo sát, chỉ số OBI của Việt Nam có xu hướng tăng và giảm nhẹ qua các kỳ đánh giá 2010-2017 và tăng nhanh trong khảo sát OBS 2019.
"Kết quả này cho thấy Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn", bà Ngô Minh hương nói.
Kết quả của khảo sát OBS 2019 cũng cho thấy điểm xếp hạng của Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách.
Kết quả khảo sát MOBI 2019 cho thấy mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương đã có sự cải thiện so với năm 2018, cụ thể điểm số trung bình đạt 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018.
Trong số 44 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2019, có 1 đợn vị đạt mức công khai tương đối, 8 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách. Năm 2018, 37 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2018 đều ít hoặc không công khai thông tin về ngân sách.
Có 31 trên tổng số 44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019 (chiếm tỷ lệ 70,45%), cao hơn con số 17 bộ, cơ quan Trung ương trong kỳ khảo sát MOBI 2018 (tỷ lệ 45,95%).
Trong xếp hạng MOBI 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thứ hạng cao nhất với 73,17 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5 trên 6 loại tài liệu được công khai đó là dự toán năm 2020, báo cáo tình hình thực hiện dự toán Quý 1, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và quyết toán năm 2018. Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 49,56 điểm quy đổi.
Có 24 bộ, cơ quan Trung ương có công khai ít nhất một trong số 6 tài liệu quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Có 7 đơn vị chỉ có điểm về tính thuận tiện (tức là có thư mục công khai ngân sách nhưng không có tài liệu kèm theo).
Có 18 trên tổng số 44 đơn vị công bố Dự toán ngân sách đơn vị năm 2020 (chiếm 40.91%), có 17 trên tổng số 44 đơn vị công bố Quyết toán ngân sách năm 2018 (chiếm ,64%).
Có 8 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán Quý 1 năm 2019, 10 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán 6 tháng năm 2019, 7 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán 9 tháng năm 2019 và 8 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán năm 2019.
Bà Ngô Minh Hương nhận định: “Minh bạch ngân sách là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân với nhà nước. Ngân sách phân bổ cho các chính sách và chương trình được công khai cho người dân sẽ giúp cho việc thực thi chính sách được tốt hơn, từ đó tăng niềm tin của người dân với nhà nước. Khi Nhà nước minh bạch ngân sách, đặc biệt là minh bạch việc phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước, cũng sẽ giúp người dân giám sát được việc tiền đóng thuế của họ được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả hơn”.
Ông Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR nhận định, kết quả của hai cuộc khảo sát (năm 2018 và 2019) về mức độ công khai ngân sách các cơ quan cấp bộ và cơ quan Trung ương trong việc tuân thủ Luật Ngân sách 2015 cho thấy các cơ quan này dù mức độ cam kết đã được cải thiện, nhưng trên thực tế vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung trong Luật Ngân sách. So với các địa phương thì các cơ quan trung ương có cập độ minh bạch kém hơn.