Chiều 20/2, Đối thoại thường niên Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 5 đã bế mạc tại Niu Đêli. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng đánh giá cao sự hợp tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên mọi lĩnh vực.
Tại cuộc Đối thoại, các đại diện và chuyên gia đã phân tích môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh mới; an toàn và an ninh hàng hải của các tuyến hàng hải trên Biển Đông; biện pháp hợp tác nhằm giảm nghèo đói; quản lý nguồn nước, những vấn đề về nước nổi lên từ hoạt động xây đập trên sông, chia sẻ nguồn nước, quản lý nguồn nước cho hoạt động nông nghiệp và nước sạch; các chuyên gia nhấn mạnh dịch bệnh hiện không còn giới hạn trong các biên giới quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp chính sách để đối phó.
Về tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu, các đại biểu cho rằng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc nặng nề vào các nguồn cung ứng năng lượng. Các nước ASEAN, đặc biệt là Mianma, Việt Nam và Malaixia có thể đóng góp đáng kể cho an ninh năng lượng của Ấn Độ.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, Đối thoại Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 diễn ra ở thời điểm rất quan trọng, khi khu vực đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định, Việt Nam ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trên mọi lĩnh vực.
ASEAN đánh giá rất cao vai trò của Ấn Độ và chính sách “Hướng Đông” của Niu Đêli đối với khu vực Đông Nam Á; đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ của Ấn Độ đối với ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng; ASEAN mong muốn Ấn Độ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ sáng kiến liên kết khu vực, cũng như hợp tác khu vực sông Mê Công - sông Hằng. ASEAN-Ấn Độ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, nhất là cùng nhau xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển khu vực, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Thứ trưởng mong rằng không chỉ các nước ASEAN mà cả các nước khác, trong đó có Ấn Độ ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN và các nước liên quan nhằm bảo đảm hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các công ước về luật biển, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố 6 điểm của ASEAN.
TTG