Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế toàn cầu trong phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, để lại những tác động nặng nề về kinh tế-xã hội, làm chậm hoặc đảo ngược những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ảnh hưởng đến sức khỏe, y tế cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Là quốc gia chủ trì xây dựng Nghị quyết 75/27 ngày 7/12/2020 của ĐHĐ LHQ về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực cùng các nước thúc đẩy thảo luận về các biện pháp cải thiện hiệu quả hệ thống y tế toàn cầu, tăng cường trao đổi, chia sẻ những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 và những bài học thực tiễn tốt trong phòng chống dịch bệnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động để chuẩn bị sẵn sàng phòng chống và ứng phó với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp, nhiều nước bày tỏ ủng hộ, đánh giá cao sáng kiến của nhóm nòng cốt, chia sẻ quan điểm cần nâng cao nhận thức và hành động để sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh trên toàn cầu, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực trong quá trình này.
Nhóm nòng cốt tổ chức Phiên họp cấp cao của ĐHĐ LHQ về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh - gồm Australia, Bangladesh, Canada, Costa Rica, Ghana, Jamaica, New Zealand, Rwanda, Nam Phi, Thụy Điển và Việt Nam - được thành lập trên cơ sở khuyến nghị của Ban chuyên gia độc lập về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh (IPPPR) do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập nhằm rà soát những bài học rút ra từ quá trình ứng phó với COVID-19 để chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.