Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh về những cơ hội, thách thức và công việc Việt Nam sẽ phải làm để hoàn thành tốt trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông cảm nhận như thế nào về việc Việt Nam được các nước châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận cao giới thiệu làm ứng viên duy nhất ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 -2021. Việc ứng cử này tạo ra những cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam?
Việc Việt Nam được các nước châu Á - Thái Bình Dương nhất trí đề cử từ sớm là ứng cử viên duy nhất ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là thuận lợi rất lớn. Điều đó cho thấy họ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam có thể đảm nhận thành công vai trò này.
Trong suốt thời gian qua, sự phát triển, vị thế quốc tế, quá trình đóng góp và hội nhập của Việt Nam đã giúp các nước châu Á - Thái Bình Dương có được niềm tin đó.
Mặt khác, trước tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, các quốc gia trong khu vực còn trông đợi Việt Nam sẽ có đóng góp tích cực cho công việc chung của thế giới, trong đó có Hội đồng Bảo an.
Tôi tin, Việt Nam sẽ trúng cử và có thể trúng cử với số phiếu cao.
Hội đồng Bảo an là cơ quan về bảo vệ hòa bình, an ninh và giải quyết xung đột. Do vậy, nếu Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng, thì đầu tiên đó là vấn đề trách nhiệm đóng góp vào đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia vì nền hòa bình bền vững, ở các khu vực khác nhau.
Thời điểm Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 giúp cho Việt Nam có được những bài học như thế nào trong lần ứng cử này, thưa ông? Giữa hai thời điểm có sự khác biệt nổi bật nào đáng lưu ý?
Việt Nam đã đảm nhận rất tốt nhiệm kỳ đó cách đây 10 năm (2008-2009), lần đầu tiên sau 3 thập kỷ tham gia Liên hợp quốc (kể từ năm 1977). Khi đó, chúng ta phải chuẩn bị kỹ thông qua nghiên cứu, nắm vững từ chương trình nghị sự với nhiều vấn đề phức tạp đến trách nhiệm, thủ tục, quy trình làm việc của Hội đồng Bảo an. Lập trường, cách thức vận dụng, đóng góp, tham gia đều là những điều mới với Việt Nam. Các vấn đề ở Hội đồng Bảo an có thể trải dài từ châu Phi đến Trung Đông và nhiều nơi khác.
Từ 1 - 2 năm trước nhiệm kỳ, Việt Nam đã có kế hoạch đào tạo, dự kiến bố trí cán bộ, ở cả hai đầu là tại địa bàn Liên hợp quốc và trong nước. Việc đảm bảo thông suốt thông tin, phối hợp kịp thời là hết sức quan trọng bởi thực tế Hội đồng Bảo an có thể họp bất kỳ lúc nào, tại chỗ phải xử lý muôn vàn tình huống phức tạp, các dự thảo văn kiện, tuyên bố hay nghị quyết.
Với Việt Nam, xử lý đúng tại Hội đồng Bảo an còn là câu chuyện tham vấn, ứng xử thế nào trước các tranh cãi, khác biệt; vận dụng phù hợp các nguyên tắc của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an; thể hiện trách nhiệm và lập trường quốc gia dân tộc; đề ra các sáng kiến… trong trọng trách chung về đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế. Đó là những kinh nghiệm hết sức cần thiết và quý báu.
Việt Nam thực sự đã có những bước tiến, phát triển kỳ tích, từ khắc phục hậu quả chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, rồi đổi mới, hội nhập, tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng hơn vào sinh hoạt quốc tế và các cơ quan Liên hợp quốc. Đó đã và tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho việc ta tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 trước đây, cũng như sắp tới khi ta trúng cử.
Mặt khác, cũng phải thấy rằng, trong 10 năm qua, cục diện và tình hình thế giới đã xoay chuyển đáng kể, câu chuyện hòa bình, phát triển vẫn tiếp tục là dòng chảy chính, là ưu tiên của các quốc gia, song đồng thời cũng đã nảy sinh những phức tạp mới. Cạnh tranh nước lớn, tranh chấp ở một số khu vực, cách nhìn nhận về hòa bình, an ninh cũng có nhiều điểm khác trước.
Chúng ta thấy tình hình Trung Đông có những diễn biến trái chiều, Trung Đông - châu Phi đã xử lý một vài điểm nóng, nhưng vẫn còn những xung đột. Vấn đề bán đảo Triều Tiên, các thách thức an ninh phi truyền thống cũng diễn biến phức tạp. Do đó, Việt Nam cần suy nghĩ, phối hợp với các nước để đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới nhiều nhất.
So với trước, khi tham gia Hội đồng Bảo an lần này, phải thấy rằng, 10 năm qua là giai đoạn phát triển rất ấn tượng của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, về kinh tế, đổi mới, đặc biệt là hội nhập và tham gia vào các công việc chung của thế giới. Việt Nam vừa qua cũng đã nhiều đợt cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Từ chỗ tham gia tích cực, nay ta cũng sẽ chủ động góp phần vào xây dựng luật chơi, nghị sự, chuẩn mực của thế giới.
Do đó, khi trúng cử Hội đồng Bảo an, chúng ta vừa có thuận lợi lớn hơn, nhưng cũng đứng trước trách nhiệm cao hơn, để thể hiện và phát huy vai trò, vị thế Việt Nam.
Nếu trúng cử, Việt Nam sẽ phải làm gì để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thưa ông?
Trúng cử làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là trách nhiệm rất lớn, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị rất nhiều. Ngày nay, Việt Nam có thuận lợi hơn, nhưng chúng ta cũng sẽ phải chuẩn bị rất kỹ, từ bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước. Đó là câu chuyện nắm bắt được về nội dung, nghị sự, những chuyển động và diễn biến mới, phức tạp của thế giới, khu vực; chuẩn bị sẵn sàng tư thế, quan điểm lập trường, phương châm ứng xử, tham vấn tại Hội đồng Bảo an, cũng như với các nhóm, các nước liên quan, các nước có vấn đề, các thành viên Liên hợp quốc nói chung; ngoài ra còn là câu chuyện phát huy vị thế, sáng kiến, kiến nghị, nhằm đóng góp và thể hiện trách nhiệm cao của mình. Song song với đó, Việt Nam cũng cần chuẩn bị về bộ máy, nhân lực, cơ chế thông tin, phối hợp, chỉ đạo.
Theo tôi, chúng ta cần đặc biệt chú ý vấn đề nhân lực và bố trí nhân sự trực tiếp ở hai “đầu cầu”, tại Thủ đô và tại Phái đoàn ta tại Liên hợp quốc. Khâu chế độ, chính sách, điều kiện vật chất hậu cần cho các cán bộ trực tiếp làm ở hai đầu cầu cũng rất quan trọng, bởi vì cường độ công việc rất cao, tính chất công việc rất phức tạp. Hội đồng Bảo an có thể triệu tập họp bất kỳ lúc nào với các cuộc tham vấn kéo dài, nhiều khi xuyên đêm, chưa kể chênh giờ giấc đến nửa ngày giữa Việt Nam và New York.
Tham gia lần này, dù trách nhiệm là rất lớn và thách thức không hề nhỏ, nhưng Việt Nam có vị thế hơn rất nhiều, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập ở tầm cao mới. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam luôn được đánh giá cao, về khát vọng hòa bình-phát triển, về chính sách đối ngoại, tinh thần đóng góp trách nhiệm và xây dựng; lại thêm những kinh nghiệm về giải quyết hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững, cũng như việc mở rộng quan hệ với các nước, kể các các nước cựu thù trước đây.
Không phải vấn đề nào Hội đồng Bảo an cũng có thể giải quyết được. Nghị sự của Hội đồng Bảo an vẫn là một chương trình dày đặc các vấn đề về hòa bình, an ninh và giải quyết xung đột. Chưa kể, trên nhiều vấn đề, luôn tồn tại, nảy sinh các khác biệt, bất đồng, kể cả trái ngược quan điểm giữa các nước thành viên. Cạnh tranh nước lớn, khác biệt giữa các thành viên thường trực cũng là câu chuyện luôn tồn tại ở Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc.
Do vậy, với Việt Nam, điều quan trọng là thể hiện trách nhiệm và đóng góp xây dựng của mình. Đó là kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, trách nhiệm với hòa bình, an ninh thế giới, bám sát các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, có tính tới lợi ích của các bên liên quan… Câu chuyện phía trước là trách nhiệm nặng nề. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, khi trúng cử, Việt Nam sẽ làm tròn trách nhiệm, được các nước, cộng đồng quốc tế tin tưởng và đánh giá cao.
Trân trọng cảm ơn ông!