Ngày 7/7/2015 trang mạng The Diplomatic Society (Nam Phi) có bài viết “Nhìn lại 20 năm quan hệ Mỹ - Việt”, trong đó đánh giá “Phải mất hai mươi năm để Washington và Hà Nội bình thường quá quan hệ ngoại giao trong thông báo lịch sử ngày 11/7/1995 của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Và 20 năm đã trôi qua để hai bên tiến thêm bước nữa nuôi dưỡng và xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện, một mối quan hệ hứa hẹn nhiều triển vọng”.
Bài viết cho rằng việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương là nỗ lực của cả hai phía, bắt đầu từ việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao mở văn phòng liên lạc trong tháng 1/1995, được nâng lên cấp Đại sứ quán trong tháng 8 và mở ra các văn phòng Tổng lãnh sự của mỗi bên tại Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco. Mối quan hệ song phương này đã được tăng cường với hàng loạt các cuộc gặp cấp cao. Và động lực thực sự mạnh mẽ hơn từ năm 2014 với một loạt các cuộc gặp gỡ ở nhiều cấp độ, nhất là cuộc gặp thượng định giữa Tổng thống Mỹ Barack Onama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị APEC và EAS năm 2014. Cùng với đó là hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp bộ và chuyên viên trong khuôn khổ của 11 cơ chế đối thoại tiến tới thiết lập hợp tác và thúc đẩy tiến bộ song phương trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế và thương mại, an ninh và quốc phòng, dân chủ, nhân quyền và lao động.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ tháng 7/2013, hai bên đã ra Tuyên bố chung xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Đáng chú ý, bài viết đã trích dẫn lại phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Kerry khi đến Việt Nam năm 2013 đánh giá “không có hai quốc gia nào làm việc chăm chỉ hơn, làm được nhiều hơn, và làm tốt hơn để xích gần lại nhau và thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai" so với hai quốc gia Việt Nam và Mỹ, và phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định "không có hai quốc gia đã làm việc chăm chỉ" để sửa chữa mối quan hệ của họ hơn so với Việt Nam và Hoa Kỳ tại Mỹ vào ngày 01/10/2014.
Bài viết này cũng đánh giá quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ - Việt là kết quả của một hành trình dài của cả hai bên, từ Hiệp định Thương mại song phương Mỹ -Việt được ký kết vào ngày 13/7/2000; hay tháng 1/2007, Nghị viện Mỹ đã chấp thuận thiết lập Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam; tới việc tháng 10/2008, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu tổ chức đối thoại chính trị- an ninh - quốc phòng và thảo luận chính sách - kế hoạch để tư vấn hàng năm về an ninh khu vực và các vấn đề chiến lược. Các hoạt động song phương ngày càng được mở rộng giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế của ASEAN, Đông Á, Châu Á Thái Bình Dương và tại Liên Hợp Quốc.
Kể từ năm 2001 khi BTA có hiệu lực, tiến triển kinh tế và thương mại vẫn là điểm sáng trong quan hệ song phương. Cùng với việc trở thành đối tác kinh tế và thị trường nhập khẩu hàng đầu với hàng hóa Việt Nam, Mỹ cũng trở thành nhà đầu tư lớn thứ 7 ở Việt Nam với 700 dự án với tổng giá trị gần 10,7 tỉ USD, chưa kể tới các khoản đầu tư qua nước thứ ba. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 ước tính đạt 36 tỉ USD, trong đó 28 tỉ USD là Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tăng 19% so với năm 2013. Xu hướng tăng cường thương mại và đầu tư là một bằng chứng sống động về việc mở rộng các mối quan hệ đồng thời làm tăng đòi hỏi về các quan hệ sâu hơn giữa hai nước. Việc ký kết Hiệp định vận tải hàng không song phương tháng 12/2003 và Hiệp định Hàng hải song phương tháng 3/2007 đã tiếp tục kết nối Việt Nam với thế giới. Các chuyến bay trực tiếp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco bắt đầu vào tháng 12/2004. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines đã bước vào thỏa thuận liên danh với một số hang của Mỹ từ năm 2001, trong khi Việt Nam đã mở cửa ngành vận tải biển và dịch vụ hành hải cho các công ty Mỹ.
Việc ký kết Hiệp định 123 Mỹ -Việt vào ngày 10/10/2013 đã mở ra cơ hội lớn cho việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự và nghiên cứu khoa học. Phía Mỹ cũng cam kết thực hiện các dự án khắc phục để làm sạch chất độc màu da cam/dioxin trong đất bị ô nhiễm và hỗ trợ các nạn nhân tàn tật ở Việt Nam trị giá hàng chục triệu USD. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thực thi pháp luật và không phổ biến hạt nhân vẫn được duy trì ổn định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tới thăm Việt Nam, chiều 2/7/2015. Ảnh: Nguyễn Khang–TTXVN |
Bài viết đánh giá dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Mỹ - Việt với các sự kiện mang tính thời sự là chuyến thăm lần thứ 5 tới Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Washington chấp nhận sự khác biệt về ý thức hệ với Việt Nam và đánh giá Đảng Cộng sản Việt Nam là một đối tác và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng ủng hộ quan hệ đối tác này.
Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam và các đối tác Mỹ là những người xây đắp nền móng củng cố và nâng tầm quan hệ Mỹ - Việt. Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng đã cho cả thế giới thấy được một Việt Nam năng động, một đối tác toàn diện với Mỹ và một Việt Nam nỗ lực xây dựng lòng tin để cải thiện quan hệ hai nước đã từng có thời kỳ là đối thủ trên hai chiến tuyến.
Bài viết dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: “Nhìn lại những gì hai nước đã đạt được trong suốt hai mươi năm qua, ai cùng có thể hình dung những tiến triển hai bên sẽ đạt được trong hai mươi năm tới. Mọi người đều tin rằng dịp kỷ niệm quan trọng này thúc giục cả hai bên tiến về phía trước vượt xa khuôn khổ song phương hướng tới tầm nhìn khu vực và toàn cầu".