Tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Syria và nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự thống nhất về vấn đề hỗ trợ nhân đạo.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, báo cáo trước HĐBA, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết hiện nay Syria có 256 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 9 ca tử vong. Ông cho rằng con số này còn thấp nhưng phải rất thận trọng bởi năng lực xét nghiệm còn nhiều hạn chế và hệ thống y tế của Syria không đủ khả năng chịu đựng một đợt bùng phát trên diện rộng. Phó Tổng thư ký LHQ bày tỏ quan ngại về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tới người dân Syria khi chỉ trong 6 vừa tháng qua, đồng Pound của Syria đã mất giá nhiều hơn 9 năm đầu của khủng hoảng.
Theo ước tính của Chương trình Lương thực Thế giới, giá cả hàng hoá tại Syria hiện tăng 200% so với một năm trước và 9,3 triệu người đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Phó Tổng thư ký LHQ cho biết LHQ cùng các đối tác đang nỗ lực hết mình trong hoạt động nhân đạo cũng như hỗ trợ Syria ứng phó đại dịch COVID-19, đặc biệt là tại khu vực Tây Bắc khi có tới 70% dân số đang cần hỗ trợ nhân đạo và tại vùng Đông Bắc khi hàng hoá y tế ở đây đang thiếu hụt nghiêm trọng sau khi cửa khẩu viện trợ Al Yarubiyah giáp biên giới Iraq không được HĐBA gia hạn vào tháng 1/2020. Ông Lowcock cũng đề cập khuyến nghị của Tổng thư ký LHQ về việc cần tiếp tục gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới nhằm hỗ trợ cho hai khu vực Tây Bắc và Đông Bắc Syria.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại với các nước thành viên HĐBA về tình hình nhân đạo đáng lo ngại tại Syria và thúc giục Syria, LHQ cùng các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác để hàng hoá cứu trợ đến tay người dân. Đại sứ khẳng định giải pháp lâu dài để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Syria, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Vấn đề gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới tới Syria đang là một trong những vấn đề gây chia rẽ tại HĐBA. Cơ chế này sẽ hết hạn uỷ quyền vào ngày 10/7/2020 và hiện đang được các thành viên HĐBA trao đổi nội bộ để xem xét gia hạn. Vào tháng 12/2019, do có sự khác biệt quan điểm, cả hai dự thảo nghị quyết của các nước chủ trì vấn đề nhân đạo Syria tại HĐBA gồm Đức, Bỉ, Kuwait và Nga đưa ra đều không được thông qua. HĐBA cuối cùng đạt được thoả thuận gia hạn 2 cửa khẩu Bab al-Salam và Bab al-Hawa giữa biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 6 tháng vào ngày 10/1/2020, thời điểm khi Việt Nam đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên HĐBA.
Định kỳ hàng tháng, HĐBA tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hoá học. Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn.