Bà Alena Douhan, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tác động của các biện pháp cưỡng ép đơn phương tới việc thụ hưởng quyền con người, và các đại diện tổ chức nhân đạo, hữu nghị và học giả của Cuba, Syria và Zimbabwe đã báo cáo tại cuộc họp. Ngoài đại diện của 15 nước ủy viên HĐBA, 20 nước thành viên LHQ khác đã tham dự và phát biểu.
Tại đây Việt Nam đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia và đời sống người dân; kiềm chế các hành động cưỡng ép đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cho rằng cần xem xét tính hợp pháp của các biện pháp trừng phạt đơn phương mà không được phép hoặc vượt quá phạm vi cho phép của HĐBA và đánh giá tác động của các biện pháp này đối với việc thụ hưởng quyền con người. Bà nhấn mạnh các hoạt động giao thương hàng hóa nhân đạo thiết yếu như thuốc men, trang thiết bị y tế, thực phẩm không nên bị áp dụng bất kỳ biện pháp cưỡng ép hoặc biện pháp trừng phạt đơn phương nào, dù gián tiếp hay trực tiếp. Các hoạt động làm cản trở nỗ lực chống dịch COVID-19 cần được dỡ bỏ hoặc ít nhất là đình chỉ.
Các điều khoản về ngoại lệ nhân đạo không bảo đảm hiệu quả, không đầy đủ trên thực tế và không minh bạch, phải xin phép từng trường hợp. Bà kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế và các bên liên quan dỡ bỏ, rà soát hoặc giảm thiểu phạm vi của các biện pháp trừng phạt đơn phương, bảo đảm các biện pháp này không gây ảnh hưởng đến các bác sỹ và nhân viên y tế, hoạt động cứu trợ nhân đạo, cho phép quốc gia ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, khôi phục kinh tế và bảo đảm phúc lợi của người dân.
Các nước thành viên HĐBA và thành viên LHQ khác có phát biểu tại cuộc họp đã thảo luận về căn cứ pháp lý, tác động của các biện pháp cưỡng ép đơn phương đến quan hệ quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân đạo của người dân, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19. Các nước phương Tây cho rằng các biện pháp cưỡng ép đơn phương là cần thiết và không gây tác động đến các hoạt động nhân đạo. Các phát biểu khác lên án các các hành động này và đề xuất các giải pháp về thiết kế, rà soát, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, bảo đảm ngoại lệ nhân đạo và tạo điều kiện chống dịch COVID-19. Các nước cũng nêu các giải pháp về tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và hợp tác, phối hợp hành động nhằm ứng phó với các thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19. Đại sứ lấy làm tiếc trong thời gian qua vẫn diễn ra các hành vi đi ngược với mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Tuyên bố các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về quan hệ thân thiện và hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các biện pháp cưỡng ép đơn phương.
Các hành động này xuất phát từ lợi ích quốc gia hẹp hòi, lựa chọn cưỡng ép thay vì hợp tác, đối đầu thay vì đối thoại, chính trị cường quyền thay vì theo đuổi giá trị chung và tôn trọng luật pháp quốc tế, khiến cho lòng tin giữa các quốc gia bị suy giảm, gia tăng căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh xung đột.
Đại sứ nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, thúc đẩy đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập. Đại sứ nhấn mạnh HĐBA cần thúc đẩy ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp, bảo vệ dân thường, rà soát, bảo đảm các cơ chế trừng phạt của HĐBA không gây gánh nặng nhân đạo cho người dân.
Biện pháp cưỡng ép đơn phương được Hội đồng Nhân quyền của LHQ định nghĩa bao gồm các biện pháp kinh tế, chính trị do một hoặc một nhóm nước áp dụng với nước khác nhằm làm suy giảm thẩm quyền, chủ quyền của nước đó và đạt được mục đích chính trị. Các biện pháp này khác với biện pháp trừng phạt, cưỡng chế thuộc thẩm quyền của HĐBA theo Điều 41 Hiến chương LHQ và các biện pháp do quốc gia thực hiện nhằm tuân thủ các biện pháp cưỡng chế của HĐBA.
Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của HĐBA nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước ủy viên HĐBA và thành viên LHQ cũng như các tổ chức quốc tế.