Việt Nam khẳng định vai trò chủ động, tích cực trong APEC

Sự kiện Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 một lần nữa là minh chứng cho thấy trong suốt 19 năm tham gia tổ chức khu vực này, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của APEC.

Việc chính thức trở thành thành viên APEC năm 1998 là một bước tiến, một dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế. APEC là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, nơi Việt Nam triển khai, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác dài hạn với nhiều đối tác trong khu vực. Bên cạnh đó, trong 19 năm qua, với phương châm hợp tác cùng nhau xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và kết nối thịnh vượng, Việt Nam luôn chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động cùng các thành viên APEC triển khai mạnh mẽ liên kết kinh tế và củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khu vực.

Đại biểu trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên khai mạc Phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) sáng 5/11. Ảnh: TTXVN

Không chỉ tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào nhiều chương trình hợp tác và hành động tập thể của APEC trong các lĩnh vực, đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác của APEC, Việt Nam còn chủ động đưa ra các đề xuất, sáng kiến đóng góp nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Những năm gần đây, ngoài những nội dung kinh tế-thương mại truyền thống, Việt Nam còn tham gia các lĩnh vực hợp tác mới của APEC như an ninh con người, y tế, giáo dục, du lịch, nổi bật là vai trò đồng chủ tịch và phó chủ tịch của Nhóm công tác y tế (2009-2010), Nhóm công tác về đối phó tình trạng khẩn cấp (2012-2013), tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực năm 2014.

Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì triển khai hơn 100 dự án, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề mới, thiết thực, như chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực hiện mô hình tăng trưởng mới (năm 2014), quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (năm 2015), thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm bảo đảm an ninh lương thực (năm 2016)…. Đồng thời, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển có một số kinh nghiệm phát triển nhất định, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào một số lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp, phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh... thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với các nền kinh tế khác, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển của APEC.

Ngoài lĩnh vực hợp tác cụ thể, Việt Nam cũng tham gia vào một số công tác điều hành chung của APEC như tích cực tham gia các ủy ban chủ chốt hay các nhóm công tác quan trọng, giữ vai trò Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế nhiệm kỳ 2005-2006. .. Tại các diễn đàn APEC, Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói xây dựng, góp phần giải tỏa mâu thuẫn giữa các nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Những đóng góp thiết thực và quan trọng của Việt Nam cho APEC trong suốt 19 năm tham gia khiến các thành viên APEC ngày càng tin tưởng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công một hội nghị cấp cao APEC. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội năm 2006, được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC, đặc biệt là Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Bogor do Việt Nam đề xuất. Đây là một đóng góp quan trọng nhằm cụ thể hóa các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực…giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên đạt đồng thuận, chính thức khẳng định “việc hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là một triển vọng dài hạn”, phù hợp xu thế liên kết sâu rộng ở toàn khu vực. APEC Việt Nam 2006 còn được ghi nhận là năm cải cách APEC, với việc xác định những định hướng cơ bản, lâu dài, nhằm tăng cường tính năng động, hiệu quả của APEC… Những kết quả trong Năm APEC 2006 là một minh chứng rõ nét thể hiện vai trò, trách nhiệm và khả năng đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Dấu ấn của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam có được nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và chủ động đóng góp ý tưởng, sáng kiến, định hướng lớn cho Năm APEC 2017. Diễn đàn năm nay không chỉ khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, mà còn thể hiện vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Với vai trò là nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất chủ đề hoạt động cho năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bốn ưu tiên hợp tác của APEC 2017 do Việt Nam đề ra được xem là đã đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tến. Thông qua các ưu tiên này, APEC 2017 với sự chủ trì và dẫn dắt của Việt Nam dự kiến sẽ đưa ra những sáng kiến, biện pháp và chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo ra những lợi ích gắn liền với người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Kết quả hoạt động của Năm APEC 2017 đang khẳng định vị thế xứng đáng của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.

Năm APEC 2017 cùng với Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng sắp tới sẽ là một đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu. Với tư cách là một thành viên chủ động và có trách nhiệm, những đóng góp đáng kể và quan trọng của Việt Nam trong APEC là sự thể hiện sinh động hình ảnh một Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và có vai trò tích cực thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực. 

Đặng Ánh (TTXVN)
Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC
Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC

Sáng 5/11, tại Đà Nẵng, Kỳ họp lần thứ 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã khai mạc toàn thể với sự tham dự của đại diện 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN