Trong hơn 2 thập niên đồng hành cùng APEC, Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khi ghi nhiều dấu ấn nổi bật, với những đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, góp phần duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể nói, dấu ấn nổi bật nhất của Việt Nam khi tham gia APEC đó là một trong số ít thành viên 2 lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Theo nhiều chuyên gia, đây không phải là điều mà tất cả thành viên APEC đều làm được.
Qua 2 lần chủ trì của Việt Nam, các nền kinh tế APEC đã ghi được nhiều bước tiến quan trọng như lần đầu tiên xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) - vốn được coi là một quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực, đưa ra chương trình thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần tổ chức thành công cuộc Đối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo APEC với ASEAN cùng những đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Ngay cả khi không đảm nhận vai trò chủ nhà, Việt Nam cũng vẫn tích cực đăng cai tổ chức nhiều cuộc họp các nhóm công tác của APEC, như Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ sáu, Kỳ họp Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC lần thứ ba (ABAC III), cũng như tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đặc biệt là những định hướng hợp tác dài hạn, thể hiện sự chủ động và tích cực trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Không chỉ vậy, Việt Nam còn là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác...
Trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết hiện APEC có gần 150 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý rác thải đại dương, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị… Các sáng kiến, dự án này một mặt thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, mặt khác phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trong công tác điều hành hoạt động của APEC, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể thông qua việc đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban và nhiều nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Quản lý ngân sách, các nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp.... Các thành viên APEC đánh giá rất cao sự chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối của Việt Nam khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Nhóm Xây dựng Tầm nhìn APEC đến 2040, góp phần hiện thực hóa việc duy trì vị thế đặc biệt của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, là “vườn ươm” các ý tưởng mới và hiệu quả.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cũng như đóng góp cho các chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam là một trong những nền kinh tế đi đầu kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine, chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới. Đặc biệt, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể trong hợp tác APEC ứng phó biến đổi khí hậu.
Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng APEC. Đánh giá về vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong APEC, chuyên gia Gregory Earl, Viện Lowy (Autralia), nêu rõ Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu về một nền kinh tế mới nổi luôn sẵn sàng tham gia thúc đẩy thương mại tự do. Trong khi đó, Giáo sư Park Tae-kyun, thuộc Trường nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), cũng nhận định Việt Nam là nền kinh tế tích cực, có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực, trong đó có APEC và ASEAN.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, sự tham gia hợp tác trong APEC cũng đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam với nhiều cơ hội phát triển về quan hệ chính trị, kinh tế-xã hội, góp phần phát huy nội lực, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua hợp tác APEC, Việt Nam đã mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ…; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là với các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Cũng thông qua APEC, Việt Nam đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đối với cộng đồng doanh nghiệp thế giới về chính sách thương mại, đầu tư thông thoáng, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, tăng thêm lòng tin và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp APEC kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam.
Theo kế hoạch, trong chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 30 tại San Francisco (Hoa Kỳ) - đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam tham gia APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự các sự kiện liên quan, trong đó có phát biểu dẫn đề tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit), Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời, cùng các hoạt động tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Các hoạt động của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 30, cùng những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong suốt 25 năm qua đã thể hiện trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam đối với hợp tác trong APEC. Điều này cũng cho thấy ý nghĩa chiến lược của Việt Nam khi gia nhập APEC, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập. Những đóng góp thiết thực và quan trọng này của Việt Nam chính là cơ sở để các thành viên APEC đánh giá cao và tin tưởng Việt Nam, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vai trò, vị thế của diễn đàn APEC trong cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu.