Đây là nhận định của Tiến sĩ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Bảo tàng và thư viện tưởng niệm Nehru, cơ quan tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại New Delhi trước thềm chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 15-19/12.
Theo Tiến sĩ Rajaram Panda, các chuyến thăm viếng cấp cao liên tục của các nhà lãnh đạo chính trị hai nước đã góp phần duy trì động lực nêu trên. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Ấn Độ và Việt Nam có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề khu vực, hai bên đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động.
Ông Panda đánh giá, dấu mốc lớn nhất trong quá trình phát triển quan hệ song phương là việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển đang diễn ra trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại đầu tư, hợp tác văn hóa và cả sự hiểu biết trong lĩnh vực hàng hải, liên quan đến an ninh hàng hải, cũng như trong lĩnh vực phát triển du lịch. Việc mở ra đường bay thẳng giữa Hà Nội và New Delhi sẽ góp phần tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân và cũng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp hướng tới thúc đẩy thành tố kinh tế trong quan hệ hai nước.
Trong 50 năm qua kể từ khi Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972), hai nước đã phối hợp, hợp tác hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, từ kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, hàng hải, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng chưa dừng lại ở đó, hai bên tiếp tục nâng cao và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này đang được thể hiện thông qua các tương tác, đối thoại và trao đổi liên tục giữa các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao để điều phối các chính sách của mỗi nước. Ông Panda nhìn nhận đây là một mối quan hệ đáng chú ý và có phần đặc biệt nếu so với quan hệ Ấn Độ với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Về vai trò và vị trí của Việt Nam trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, Tiến sĩ Panda khẳng định Việt Nam là điểm tựa trong ASEAN để Ấn Độ thực hiện chính sách Hành động Hướng Đông của mình. Nếu không có sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Việt Nam, Ấn Độ sẽ cảm thấy bị hạn chế trong việc triển khai nhiều dự án trong khuôn khổ chính sách này. Myanmar là quốc gia duy nhất trong ASEAN có quan hệ biên giới với Ấn Độ, cùng với các dự án kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới đường cao tốc…, đây là những thành tố chính trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và nếu thiếu sự hợp tác với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam - quốc gia mà Ấn Độ có sự đồng vận và hiểu biết lẫn nhau lớn, thì Ấn Độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng Việt Nam là một đối tác hết sức thiện chí trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và mục tiêu dài hạn nói chung là vì phúc lợi và phát triển kinh tế của khu vực cũng như vì lợi ích của người dân, và Việt Nam và Ấn Độ cùng đồng hành trong sứ mệnh này.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Rajaram Panda nhấn mạnh Biển Đông thực sự là mối quan tâm chính không chỉ đối với Ấn Độ và Việt Nam mà với cả nhiều nước khác trong khu vực, do các hoạt động mở rộng sự hiện diện hàng hải, bồi lấn và quân sự hóa của Trung Quốc đối với các đảo trong vùng biển này. Ông cho rằng Biển Đông là lợi ích chung toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tuyên bố là của riêng mình. Các quốc gia có chung quan điểm và tôn trọng luật lệ quốc tế cần phải phối hợp với nhau và chia sẻ lập trường của mình trong một diễn đàn khu vực và toàn cầu để giải quyết mối quan ngại này. Vì vậy, điều thực sự cần thiết là sự hiểu biết chung và hợp tác giữa các quốc gia có liên quan. Đó sẽ là một trong những cách thức để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, điều rốt cuộc sẽ đem đến hòa bình và ổn định trong khu vực.