Đây là Diễn đàn đối thoại phi chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, với mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn; tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng; duy trì và tăng cường hòa bình và ổn định cũng như phát huy các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Nhân kỷ niệm Ngày ASEM 1/3/2019, Trưởng SOM ASEM Việt Nam Nguyễn Minh Hằng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về những định hướng đóng góp của Việt Nam nhằm góp phần đề cao vai trò ASEM trong tình hình mới và những lợi ích thiết thực đối với Việt Nam khi tham gia ASEM.
Ngày 1/3 hàng năm được các thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) chọn làm Ngày ASEM. Nhân dịp kỷ niệm Ngày ASEM năm nay, xin bà chia sẻ một số đánh giá về hợp tác của Diễn đàn?
Ngày 1/3/1996, tại Băng Cốc, Thái Lan, 26 nhà Lãnh đạo Á - Âu đã sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Do đó, ngày 1/3 hàng năm được chọn là Ngày ASEM (ASEM Day) để tất cả các thành viên cùng nhau kỷ niệm và vun đắp cầu nối gắn kết quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Là một thành viên sáng lập Diễn đàn, Việt Nam nhiệt liệt chào mừng ngày kỷ niệm có ý nghĩa này.
Nhìn lại chặng đường 23 năm qua, chúng ta không khỏi tự hào về những bước trưởng thành của Diễn đàn. ASEM đã phát triển vượt lên những kỳ vọng ban đầu, khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế vì hòa bình và phát triển.
Bước vào thập niên phát triển thứ ba, trước những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của cục diện khu vực và thế giới trong kỷ nguyên số và toàn cầu hoá, ASEM tiếp tục được các thành viên coi trọng và thúc đẩy nhằm tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu mạnh mẽ và năng động, giải quyết hiệu quả hơn các thách thức đang nổi lên, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Có thể thấy trên 5 điểm sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh hệ thống đa phương, nhất là hệ thống thương mại đa phương, đứng trước nhiều thách thức, ASEM là một trong những diễn đàn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, củng cố và cải cách Tổ chức thương mại thế giới.
Thứ hai, ASEM thể hiện vai trò tiên phong trong xây dựng và thực hiện các thoả thuận toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hợp tác ASEM về phát triển bền vững, bao trùm, giáo dục chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, quản trị đại dương... vừa mang lợi ích thiết thân cho người dân, vừa nâng tầm đóng góp của ASEM vào ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Thứ ba, trong thế giới phẳng và gắn kết chặt chẽ, ASEM tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hai châu lục. Đáng chú ý, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 12 tại Bỉ tháng 10/2018, lần đầu tiên ASEM đã thông qua chương trình hành động về kết nối toàn diện như kết nối chính sách, kết nối bền vững, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người và kết nối nhằm ứng phó với các thách thức an ninh. Nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể đang thúc đẩy triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, đáp ứng nhu cầu gắn kết ngày càng gia tăng giữa hai châu lục.
Thứ tư, trước những diễn biến biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, thông qua đối thoại xây dựng, các thành viên ASEM thể hiện quyết tâm tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực.
Thứ năm, ASEM đã góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai châu lục thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn nhân dân, diễn đàn liên nghị viện, giao lưu các nhà lãnh đạo trẻ, nhất là hoạt động của Quỹ Á - Âu. Đây chính là đặc trưng riêng có của hợp tác ASEM và là sợi dây bền chặt gắn kết người dân, doanh nghiệp, các thành viên ASEM cũng như hai châu lục.
Trong năm 2019, với việc tổ chức 5 Hội nghị Bộ trưởng quan trọng về ngoại giao, kinh tế, giáo dục, việc làm và giao thông vận tải cùng và hàng chục hoạt động nhằm triển khai các quyết định của các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 ( Brussels, Bỉ, 10/2018), ASEM tiếp tục khẳng định tính thiết thực của hợp tác, sự phát triển mạnh mẽ và vị thế Diễn đàn, tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác ngày càng năng động và gắn kết giữa châu Á và châu Âu.
Việt Nam là thành viên sáng lập và luôn tích cực tham gia, chủ động đóng góp vào hợp tác ASEM suốt 23 năm qua. Triển khai chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, xin bà cho biết, nước ta sẽ tiếp tục đóng góp như thế nào để đề cao vai trò ASEM trong tình hình mới?
Việc tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Hơn hai thập kỷ qua, chúng ta có thể tự hào là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu ấn có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của Diễn đàn.
Nổi bật nhất phải kể đến là việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao và nhiều Hội nghị Bộ trưởng quan trọng. Chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động với nhiều văn kiện và định hướng quan trọng góp phần tạo thêm xung lực mới cho hợp tác ASEM theo hướng hiệu quả hơn.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến hợp tác. Ta đã khởi xướng và triển khai 25 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như phát triển bao trùm, kinh tế số, an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu... Đáng chú ý, từ năm 2011, ta cùng các nước ven sông Mê Kông và Danube khởi xướng cơ chế hợp tác ASEM về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mê Kông lên tầm liên khu vực.
Sau hơn 30 năm Đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chiến lược với vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Trong nỗ lực đó, Việt Nam luôn coi trọng và đẩy mạnh đóng góp vào việc nâng tầm quan hệ đối tác Á - Âu, vai trò và vị thế của Diễn đàn.
Chúng ta sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường kết nối Á - Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, tham gia mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có việc sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA).
Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cùng các thành viên đề xuất các sáng kiến, đóng góp thiết thực hơn trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành mà nước ta tham gia về quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, đào tạo nghề, giáo dục và phát triền nguồn nhân lực và kết nối công nghệ, cũng như vào các quan tâm chung của ASEM. Trong năm 2019 này, chúng ta tích cực triển khai hai sáng kiến quan trọng của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội.
Chúng ta sẽ tiếp tục cùng các thành viên thúc đẩy đối thoại và hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực và trên thế giới. Việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 vừa qua khẳng định sự tín nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế vào vai trò và đóng góp chủ động tham gia kiến tạo hòa bình của Việt Nam.
Với 53 thành viên Á - Âu, Diễn đàn ASEM quy tụ hầu hết các đối tác quan trọng hàng đầu đối với nước ta. Theo bà, tham gia ASEM mang lại những lợi ích thiết thực gì cho đất nước?
Hợp tác ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên và tham gia tích cực vào ASEM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Thứ nhất, hội tụ 22 trong số 28 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, các thành viên ASEM đều là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu đối với nước ta, chiếm 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 14 trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM. Những con số này minh chứng rõ nét tầm quan trọng của ASEM đối với phát triển và kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ hai, Diễn đàn ASEM là kênh quan trọng để chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu. Nổi bật là với vai trò chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5, chúng ta đã thúc đẩy quan hệ song phương với nhiều đối tác chủ chốt. Các thỏa thuận quan trọng mà ta đạt được nhân dịp các Hội nghị Cấp cao ASEM như thỏa thuận với EU về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (năm 2004), quyết định của Ủy ban châu Âu nhất trí trình Hội đồng châu Âu xem xét việc ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 cũng là minh chứng sinh động.
Thứ ba, trong bối cảnh môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và ở khu vực còn bất ổn, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp, với vai trò là một cơ chế đối thoại và hợp tác quy mô lớn nhất giữa hai châu lục Á - Âu, ASEM là diễn đàn quan trọng để chúng ta phối hợp với cộng đồng quốc tế đề cao lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để phát triển, ủng hộ lập trường của ta và ASEAN thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực chung.
Thứ tư, việc triển khai các sáng kiến, các hoạt động hợp tác ASEM giúp ta tranh thủ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực của các thành viên, nâng cao năng lực giải quyết nhiều vấn đề gắn với lợi ích và quan tâm của người dân và doanh nghiệp. Ta đã tranh thủ EU hỗ trợ các nước hạ nguồn Mê Kông, cam kết tài trợ 1,7 tỷ Euro cho các chương trình của Mê Kông giai đoạn 2014 - 2020. Tham gia hợp tác ASEM, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân còn hình thành tư duy, năng lực và văn hóa hội nhập, đồng thời quảng bá lịch sử, văn hóa dân tộc và tiềm năng phát triển của các vùng miền đất nước đến với bạn bè Á - Âu.
Triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp định hình các thể chế đa phương và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM trên chặng đường phát triển sắp tới, chung tay cùng thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu ngày càng sống động, hiệu quả, đề cao vai trò ASEM, đồng thời tận dụng các cơ hội rộng mở của hợp tác ASEM thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn bà!