Trong thời gian làm việc, Đoàn đã cập nhật tiến độ của Việt Nam trong việc triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đoàn kiểm tra tháng 10/2022; trao đổi và làm rõ để thống nhất một số vấn đề cụ thể như việc bổ sung và điều chỉnh các quy định trong Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về quy định thực hiện chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác theo hướng chỉ cho phép chuyển đổi sang nghề khai thác thân thiện với nguồn lợi thủy sản và định hướng phát triển của địa phương; quy định về sử dụng hệ thống giám sát tàu cá (VMS) theo hướng quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá; bổ sung trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá; bổ sung quy định về việc kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của tàu cá nhập khẩu vào Việt Nam; quy định về việc cảng cá được chỉ định nếu vi phạm quy định về xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hoặc không còn đáp ứng các điều kiện nêu trên sẽ bị đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định.
Đặc biệt, sửa đổi Điều 70 về kiểm soát theo Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) theo hướng quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn các đối tượng cần kiểm tra và chế độ kiểm tra phù hợp với quy định của Hiệp định; bổ sung quy định về kiểm soát thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container.
Đối với Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP: bổ sung hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu sản phẩm, đình chỉ hoạt động xuất khẩu đối với một số hành vi vi phạm; bổ sung hành vi không có thiết bị giám sát tàu cá trên tàu khi hoạt động; bổ sung hành vi mua tàu cá mà không thực hiện chuyển quyền sở hữu, không đăng ký sang tên chủ tàu mới; bổ sung quy định được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong xử phạt vi phạm lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài cho Cảnh sát biển và Biên phòng.
Ngoài ra, hai bên đã trao đổi cập nhật việc xử lý 2 con tàu nhập khẩu của tỉnh Khánh Hòa và cập nhật các nội dung liên quan đến lô hàng cá kiếm của hai doanh nghiệp tại Khánh Hoà. Phía Việt Nam cũng cập nhật cho EC về tiến độ triển khai công tác quản lý tàu cá hoạt động trên biển, ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng; hiện trạng triển khai Quy hoạch khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kế hoạch quản lý nghề cá, đặc biệt là kế hoạch quản lý đối với một số loài cá ngừ; công tác truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo các lô hàng xuất sang thị trường châu Âu là hợp pháp; thực thi pháp luật, trong đó tập trung vào việc xử lý tàu vi phạm vùng biển nước ngoài và xây dựng cơ sở dữ liệu xử phạt từ trung ương đến địa phương.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết hai bên cơ bản đã đạt được đồng thuận và phía bạn cũng nhất trí với những kết quả và xử lý mà ta đã tiến hành. Tuy nhiên, phía EC kiến nghị Việt Nam cần có những giải pháp mạnh hơn nữa trong việc chống khai thác bất hợp pháp và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vào vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm và có giải pháp quản lý đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị và giám sát hành trình, cũng như những tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển.
Dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và DG-MARE sẽ tổ chức cuộc họp đối thoại trực tuyến trong tháng 9 tới để tiếp tục trao đổi, cập nhật các tiến độ triển khai khuyến nghị trước khi Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác khai thác IUU lần thứ 4 trong tháng 10.