Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có đại diện các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào; đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương và các cơ quan của thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Với mục đích tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử của Lào với cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, thành phố Hà Nội rất vinh dự được tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động của chính quyền địa phương với các bạn Lào.
Nội dung trao đổi tại Hội thảo là những vấn đề lớn, liên quan đến hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân. Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu hai bên cùng tập trung trao đổi, thảo luận sôi nổi và hiệu quả.
Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận chia sẻ kinh nghiệm 5 nhóm vấn đề chính gồm: Kinh nghiệm giám sát việc thực thi pháp luật và các văn bản dưới luật trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước; cơ chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ giữa Hội đồng nhân dân thành phố với các ngành, địa phương; cơ chế phối hợp giải quyết kiến nghị của người dân giữa Hội đồng nhân dân thành phố với các ngành liên quan và chính quyền địa phương; chính sách liên quan đến đất đai và việc tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai của Thủ đô Hà Nội hiện nay; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ; quy chế cấp phép; cơ chế phối hợp và phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, cấp tỉnh, quận, huyện.
Chào mừng và cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Lào tới thăm Việt Nam và có buổi làm việc hiệu quả, thiết thực với thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Quan hệ Việt Nam - Lào là quy luật phát triển, nhân tố bảo đảm sự phát triển của cả hai nước, là tài sản vô giá được xây dựng bằng công sức, xương máu của các thế hệ lãnh đạo và các bậc tiền bối, các chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước, cần được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước gìn giữ, phát triển, truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hy vọng rằng, sau Hội thảo này, từ những chia sẻ chân tình của các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, các bạn Lào có thể tham khảo những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai; chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc giám sát và thực thi pháp luật trong lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước; cơ chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ giữa Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội với các ngành của địa phương, trong đó có việc giải quyết kiến nghị của người dân.
Tuy nhiên, các nội dung bàn tại Hội thảo này mới chỉ là bước đầu. Hà Nội cần tiếp tục trao đổi kinh nghiệm chuyên đề với các đồng chí Lào, nhất là về khả năng phát triển và quản lý đô thị, các chính sách đặc thù mà Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết nghị, hiệu quả của các chính sách trong quản lý đô thị...
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đánh giá cao kết quả Hội thảo và khẳng định, những kinh nghiệm mà thành phố Hà Nội chia sẻ sẽ giúp Quốc hội Lào, các cơ quan dân cử và chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát, cũng như thực thi pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou mong muốn, thời gian tới, bên cạnh các hoạt động hợp tác cấp cao, các cơ quan của thành phố Hà Nội, nhất là Hội đồng Nhân dân của 2 Thủ đô: Hà Nội và Viêng Chăn, sẽ tăng cường hợp tác thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa để Hội đồng Nhân dân các địa phương của Lào hoạt động vững mạnh, xứng đáng đại diện cho quyền, lợi ích của nhân dân.
Báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy, thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Hà Nội có nhiều nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân đi vào cuộc sống kịp thời.
Nhiều kinh nghiệm của Hà Nội đã trực tiếp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận. Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong hoạt động giám sát chuyên đề, đặc biệt là về quy hoạch, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường ở các làng nghề...
Đặc biệt, Hà Nội đã phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố trong việc ra nghị quyết, giám sát, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tổ chức tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng Hiến pháp, pháp luật.
Từ khi Luật Thủ đô được ban hành, việc triển khai thực hiện Luật được tổ chức đồng bộ, hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, giàu đẹp.