Việt Nam nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng công bằng là xu thế tất yếu

Ngày 19/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố New York (Mỹ), Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cùng Phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ và Ủy ban Kinh tế xã hội LHQ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) đã tổ chức sự kiện “Thiết kế tài chính cho chuyển đổi năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bài học của Việt Nam và Indonesia về thiết lập Đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng”. Tham dự sự kiện có gần 80 đại biểu từ các nước, khu vực tư nhân và các tổ chức LHQ.

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ (giữa), phát biểu đề dẫn tại sự kiện. 

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, các diễn giả đã trao đổi kinh nghiệm, thuận lợi cũng như khó khăn thách thức của Việt Nam và Indonesia trong thực hiện các cam kết về giảm phát thải, giảm dần sử dụng điện than cũng như việc thành lập và thực hiện Quan hệ Đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc triển khai JETP sẽ tạo nền tảng cho triển khai các quan hệ hỗ trợ tương tự, giúp các nước đang phát triển khác trong việc huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chú thích ảnh
Các đại biểu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện. 

Phát biểu dẫn đề tại sự kiện, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ - khẳng định chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là con đường tất yếu để đạt được phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam đã cùng các đối tác quốc tế thiết lập JETP để huy động ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới phục vụ nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Đại sứ cũng chia sẻ trong quá trình thiết lập và thực hiện JETP, Việt Nam đã và đang phải đối mặt nhiều thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo yếu tố công bằng cũng như phải sửa đổi về pháp luật, chính sách kinh tế, xã hội, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Chú thích ảnh
Quang cảnh sự kiện. 

Cho dù vậy, Việt Nam đang tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện JETP như nội luật hóa Tuyên bố chính trị thành lập JETP, thành lập Ban Thư ký và xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và chính phủ, cũng như sự tham gia của các bên liên quan khác. Đại sứ kêu gọi các Đối tác quốc tế thực hiện cam kết và cung cấp nguồn lực, tài chính, chuyển đổi năng lượng như tài trợ không hoàn lại, xây dựng năng lực, chia sẻ những tiến bộ, nghiên cứu tiềm năng của năng lượng tái tạo, hỗ trợ và đầu tư vào các chương trình, dự án góp phần phát triển bền vững để Việt Nam có thể thực hiện được các mục tiêu về khí hậu.

Thanh Tuấn (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng
Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng

Ông Fasbarth khẳng định Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy và có năng lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN