Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao tầm quan trọng của đối thoại này và xem như một minh chứng cho hợp tác chặt chẽ, cụ thể của hai Bộ trong việc thực hiện các cam kết đã được nêu trong Bản ghi nhớ hợp tác về môi trường đã được hai Bộ trưởng ký năm 2013.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng và phê duyệt các phương pháp luận của các dự án theo cơ chế tín chỉ chung, tăng cường năng lực cho Ban Thư ký phía Việt Nam trong việc cùng tham gia, điều hành các hoạt động trong Ủy ban hỗn hợp hai nước về cơ chế tín chỉ chung.
Với điều kiện phát triển hiện nay, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tiếp thu kinh nghiệm cách thức tiến hành của các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản để có lộ trình, bước đi phù hợp trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với sự thay đổi cực đoan của thời tiết.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Nhật Bản hỗ trợ việc hoàn thiện các thể chế pháp lý thông qua hội thảo, hội nghị chuyên đề, tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia của Việt Nam; hỗ trợ xây dựng các dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới như kế hoạch tăng trưởng xanh ngành tài nguyên và môi trường, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, nước thải, thúc đẩy ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý môi trường tiên tiến ... phù hợp với ưu tiên của hai bên và trên nguyên tắc hiệu quả, thiết thực, đôi bên cùng có lợi. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực thi các luật và quy định về bảo vệ môi trường, cùng tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động chung giữa hai bên, chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Michiyo Kakegawa, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, trong 3 năm qua (2014-2016), hai bên đã có hợp tác trong nhiều dự án thí điểm như sử dụng năng lượng, xử lý chất thải nguy hại, sự cố hóa chất… Tuy nhiên, thực tế cho thấy khó khăn trong việc thu hồi các thiết bị đã hết hạn sử dụng, trong khi đó các khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc thu hồi các sản phẩm này cũng gây khó khăn cho việc triển khai. Việt Nam đang có ít nhân lực có khả năng đánh giá rủi ro, đội ngũ có thể phân tích, mô phỏng ảnh hưởng của những rủi ro do sự cố hóa chất vẫn còn hạn chế...
Đề xuất các giải pháp, bà Michiyo Kakegawa nhấn mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tìm kiếm doanh nghiệp có đủ trình độ, công nghệ có thể tái chế các thiết bị quá hạn sử dụng, sản phẩm có hydrocacbon, tạo điều kiện để xây dựng thành những doanh nghiệp chuyên nghiệp có tính toán đến hiệu quả, chi phí cho hoạt động này. Hai hoạt động chính về xử lý chất thải gồm cử chuyên gia khảo sát, nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ hướng dẫn trong việc xử lý chất thải đô thị, chất thải rắn, đưa ra quy định giám sát các cơ sở đốt rác cũng như hỗ trợ để hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý chất thải nguy hại như xử lý các loại pin, thiết bị điện tử…
Thời gian tới, phía Nhật Bản hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác, nhà tài trợ và các đơn vị khác nhằm tuyên truyền, giáo dục cho doanh nghiệp và người dân về sử dụng hợp lý tài nguyên, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; triển khai các mô hình thí điểm về thu hồi, tái chế, xử lý chất thải. Năm 2017, chọn nhà máy sản xuất xi măng, nhiệt điện than để thực hiện các dự án thí điểm.
Nhân dịp này, hai Bộ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2019 với những đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.