Để làm rõ hơn những dự định và bước đi tiếp theo của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng như sự tích cực chuẩn bị, phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thưa Thượng tướng, xin ông cho biết đánh giá chung về tầm quan trọng của các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?
Việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những chính sách đối ngoại của Việt Nam, tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện hình ảnh một quốc gia có uy tín, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới. Chúng ta không chỉ mong muốn Liên hợp quốc ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, mà chúng ta cũng đóng góp vào những hoạt động của Liên hợp quốc, mặc dù còn nhiều khó khăn. Đây là một trong những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội và đã được tiến hành qua 5 năm.
Ý nghĩa thứ hai của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đó là quảng bá và tôn vinh hình ảnh của đất nước, Quân đội, nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là ngoại giao đơn thuần mà là làm thật, việc thật - một thử thách rất khó khăn đối với nhiều quốc gia. Do đó, yêu cầu đặt ra là chúng ta cần làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.
Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam lại là một đội quân mẫu mực, có tỷ lệ nữ vào loại cao nhất trong tất cả các quốc gia; không vi phạm kỷ luật và các quy định của Liên hợp quốc, một đội quân có chuyên môn giỏi theo đánh giá của Liên hợp quốc. Việc rèn luyện kỹ năng công tác, hoạt động, chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt ở những khu vực rất xa đất nước, tạo cho chiến sĩ của chúng ta những kỹ năng mới, đạt yêu cầu mới theo quy chuẩn của thế giới.
Ví dụ như hoạt động quân y, chúng ta có thể chữa bệnh rất tốt nhưng Liên hợp quốc có hơn 90 quy trình chuẩn cần theo sát để không bị sai sót, không bị “lỗi quá trình”…, đó cũng là yếu tố chúng ta rèn luyện cho bộ đội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất bất ngờ và tự hào khi bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên hợp quốc khâm phục. Đây là các kỹ năng mà quân đội của nhiều nước rất mong muốn có được, như khả năng thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, khả năng tổ chức cuộc sống, ứng phó trong điều kiện không đầy đủ… Điển hình là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam sau khi tiếp nhận của Anh một thời gian ngắn đã đi vào khám chữa cho một số lượng lớn bệnh nhân, kể cả bệnh nhân quân sự và bệnh nhân dân sự.
Ý nghĩa cuối cùng của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là tạo môi trường thử thách cho cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta sống trong thời bình, tuy nhiên nhiệm vụ còn rất nặng nề, khó khăn. Việc công tác, hoạt động ở địa bàn xa sẽ giúp “kiểm tra” lại xem người lính Việt Nam sẽ làm việc như thế nào, năng lực đến đâu, để thấy yên tâm rằng những kinh nghiệm của Quân đội ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước hoàn toàn có thể áp dụng trong thời bình, góp phần kiến tạo hòa bình, an ninh của đất nước mình, cũng như của thế giới.
Có thể nói việc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (Bệnh viện 2.2) chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ là một đợt “đổi quân” với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (Bệnh viện 2.1). Xin Thượng tướng cho biết sự khác biệt giữa nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao cho hai bệnh viện?
Chúng ta có thuận lợi vì Bệnh viện 2.1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bệnh viện 2.2 tiếp quản thành quả hơn một năm qua và kinh nghiệm chúng ta đã có được. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên là Bệnh viện 2.2 phải đảm bảo làm tốt bằng hoặc tốt hơn những công việc mà Bệnh viện 2.1 đã thực hiện. Tiếp theo, chúng ta phải đảm bảo tỷ lệ nữ nhiều hơn Bệnh viện 2.1 và trình độ phải cao hơn.
Trong thời gian trước, do công tác chuẩn bị gấp rút, chưa kịp thời, vì vậy trình độ của một số anh chị em còn chưa thật xuất sắc. Lần này đội hình phải đồng đều hơn. Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu và nhận được sự đồng tình cao của Học viện Quân y - cơ quan chủ quản của Bệnh viện 2.2 về việc cố gắng xây dựng một bệnh viện không có rác thải nhựa. Đây là một tiêu chí đặc biệt quan trọng của Liên hợp quốc, một yêu cầu đặc biệt của nước châu Phi là Nam Sudan, đồng thời là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.
Việc này nói vậy nhưng không hề đơn giản, nhất là đối với ngành y. Làm sao để không có rác thải nhựa, từ bao bì nilon, từ cái cốc đến thiết bị y tế…, chúng ta sẽ chuẩn bị. Tôi tin với quyết tâm của các đơn vị, chúng ta sẽ thực hiện được tiêu chí này. Nếu được thì đây sẽ là đơn vị đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam không có rác thải nhựa và cũng là đơn vị đầu tiên của các phái bộ Liên hợp quốc ở nước ngoài không có rác thải nhựa.
Thưa Thượng tướng, việc tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đóng góp như thế nào vào việc đảm bảo thành công chung cho Việt Nam khi đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian tới?
Tôi nghĩ nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn với yêu cầu cao hơn. Đây là khó khăn và thách thức. Chúng ta phải làm tốt hơn, có những hoạt động tương ứng với vai trò là thành viên ko thường trực của Hội đồng Bảo an. Dự kiến, Việt Nam sẽ phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức hội nghị quốc tế về vai trò của phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Hội nghị này nhận được sự chú ý đặc biệt của Liên hợp quốc và các quốc gia, vì vai trò của phụ nữ trong các hoạt động chung của thế giới đặc biệt quan trọng, nhất là trong tiêu chí phát triển bền vững về nữ quyền.
Trong 5 năm qua, các cán bộ, chiến sĩ nữ của chúng ta đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đều hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên hợp quốc đánh giá cao. Chính vì thế, Liên hợp quốc đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị này. Như vậy, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời bình sẽ được tôn vinh và thế giới sẽ nhìn nhận tích cực về công tác bình đẳng giới của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng mong muốn chúng ta có những hoạt động khác với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an như tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về khắc phục hậu quả chiến tranh trong gìn giữ hòa bình.
Tôi thấy rằng, với cương vị của Việt Nam thời gian tới là thành viên ko thường trực của Hội đồng Bảo an, tới đây Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao có rất nhiều việc phải làm, trong đó Quân đội sẽ có những đóng góp cụ thể trong khả năng của mình.
Việt Nam đang chuẩn bị cho Đội Công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với dự kiến biểu biên chế lớn, trên 300 người. Điều này tạo nên khó khăn, thách thức như thế nào đối với Việt Nam, thưa Thượng tướng?
Đây là bước đi mới, nấc thang mới trong hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng ta. Với quân y, đội hình khoảng hơn 60 đồng chí thì là đơn vị cấp đại đội. Nhưng với đơn vị công binh, là đơn vị cấp tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn vì trang bị rất lớn, lên tới hàng ngàn tấn trang bị cần đưa sang địa bàn phục vụ quá trình công tác.
Đội Công binh không đóng độc lập như bệnh viện dã chiến, mà phải phân tán và thực hiện nhiệm vụ tương đối khó khăn, đó là thách thức mới. Tuy nhiên, chúng ta đã chuẩn bị hơn 5 năm và chính thức thành lập Đội công binh này được hơn 3 năm. Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy Liên hợp quốc đều đánh giá rất cao khả năng đội Công binh của chúng ta. Chúng tôi đã đưa các đồng chí chỉ huy các đơn vị và một số sĩ quan công binh sang tận địa bàn để khảo sát nhiệm vụ của nước bạn. Các đồng chí đã khẳng định với Bộ Quốc phòng là lực lượng Công binh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là niềm tin, sự khẳng định của chúng ta với Liên hợp quốc.
Thượng tướng đánh giá như thế nào về khả năng lực lượng dân sự Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?
Lực lượng dân sự Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là một trong những đề nghị của Liên hợp quốc. Việc triển khai lực lượng này cũng nằm trong đề án mà Bộ Chính trị đã thông qua. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị thận trọng, tìm kiểu kỹ càng về cơ chế, yêu cầu khả năng quản lý chỉ đạo để đảm bảo hai yêu cầu: Hoàn thành tốt nhiệm vụ của Liên hợp quốc và yêu cầu cao hơn là đảm bảo an toàn cho tất cả cán bộ cử đi.
Xin Thượng tướng chia sẻ về phương hướng, mục tiêu cũng như những thử thách chúng ta có thể gặp phải thời gian tới trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?
Những chủ trương, nội dung, bước đi của chúng ta đều đã nằm trong Đề án của Bộ Chính trị và Chính phủ, chúng ta sẽ dần mở rộng các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, yêu cầu của Liên hợp quốc đối với chúng ta trong việc này rất rộng, rất cao. Điều đó cũng xuất phát một phần từ chính chúng ta bởi chúng ta đã làm rất tốt giai đoạn đầu và đã tạo được sự tin tưởng cho họ. Vì vậy, Liên hợp quốc đề nghị chúng ta mở rộng các hoạt động. Ví dụ như bên cạnh Quân y, Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam cử đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Không chỉ Công binh, chúng ta dự kiến cử các lực lượng Bộ binh để bảo vệ căn cứ, không tham gia xung đột; hay nghiên cứu cử các chuyên gia quân sự, Đội sĩ quan cảnh sát để làm công tác tham mưu.
Đặc biệt hơn nữa, trong quá trình công tác tại các quốc gia cũng như các phái bộ, Liên hợp quốc đã chính thức mời một số sĩ quan Việt Nam làm cán bộ chỉ huy của Liên hợp quốc tại phái bộ cũng như ở trụ sở Liên hợp quốc. Đây là điều chúng ta hướng đến nhiều năm mà chưa làm được. Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để cử một số đồng chí đi với tư cách là sĩ quan chỉ huy của một phái bộ hoặc sĩ quan tham mưu tại trụ sở Liên hợp quốc. Đó cũng chính là một sự hiện diện mới của quốc phòng, quân sự của Việt Nam trên môi trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!