Bày tỏ vui mừng khi tiếp Đoàn công tác của Bộ trưởng Antti Kurvinen, cùng với đại diện các doanh nghiệp Phần Lan hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Phần Lan trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã luôn được tăng cường thúc đẩy, đặc biệt trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Mới đây, hai nước đã tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác sang lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Nhân dịp này, hai bên sẽ tổ chức Hội thảo kỹ thuật về tài nguyên nước, qua đó đóng góp kinh nghiệm cho các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này và kết nối các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi, mong muốn học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của Phần Lan. Phần Lan với thế mạnh là công nghệ bổ cập nước ngầm, các cố vấn cấp cao, chuyên gia về tài nguyên nước. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị phía Phần Lan thúc đẩy kết nối xây dựng Dự án về tài nguyên nước để chia sẻ kinh nghiệp về chính sách quản lý, công nghệ; các giải pháp phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn thông qua các biện pháp quản lý, công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Đối với nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực năng lượng, Chiến lược đề cập đến chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035 thông qua việc nâng công suất của các nhà máy năng lượng sạch, trong đó có điện gió ngoài khơi.
Ngay sau Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 và Bộ Tài nguyên và Môi trường là Thường trực của Ban chỉ đạo. Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Bộ trưởng Antti Kurvinen giúp kết nối, thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26; đề nghị phía Phần Lan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xem xét đề xuất xây dựng và kêu gọi hỗ trợ thực hiện các hoạt động liên quan đến các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với các cam kết tại COP26 mà Việt Nam - Phần Lan đã cùng đưa ra.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Antti Kurvinen và Đại sứ Keijo Norvanto bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả thành công trong thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với các cam kết tại COP26; đồng thời cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Phần Lan trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã luôn được tăng cường. Bộ trưởng Antti Kurvinen mong muốn, sẽ có thêm những cuộc họp cấp cao để trao đổi thêm nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm và có tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.