Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith đang đón Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào |
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, từ ngày 23-26/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao liên quan gồm ASEAN+1 với 10 Đối tác Đối thoại (PMC), ASEAN+3 với các nước Đông Bắc Á lần thứ 17 (ART-17), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 6 (EAS FMM-6) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 23 (ARF-23) với sự tham dự của Ngoại trưởng 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác ngoài ASEAN).
Đoàn Việt Nam sẽ tham gia các Hội nghị trên với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, kể cả đóng vai trò nòng cốt trong một số vấn đề lớn của Hiệp hội; kiên trì lập trường nguyên tắc, linh hoạt và khéo léo xử lý những vấn đề phức tạp trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận ASEAN và phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục đóng góp vào tăng cường hợp tác, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ thực chất giữa ASEAN với các đối tác và nâng cao hiệu quả của các diễn đàn khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN; giữa ASEAN với 10 đối tác chủ chốt (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh châu Âu-EU, Canada) và của 3 diễn đàn khu vực do ASEAN sáng lập và đóng vai trò chủ đạo là ASEAN + 3, ARF và EAS. Sở dĩ gọi là quan trọng nhất bởi các Hội nghị trên có chương trình nghị sự bao trùm mọi lĩnh vực hợp tác từ chính trị - an ninh tới kinh tế và văn hóa, xã hội.
Trong đó, Hội nghị AMM-49 sẽ bàn về các vấn đề hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, bao gồm thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, cải tiến bộ máy và lề lối làm việc của ASEAN, xem xét lại Hiến chương ASEAN. Hội nghị sẽ xem xét đề nghị gia nhập của Timor Leste, đề nghị của các nước muốn gia nhập Hiệp ước hợp tác và hữu nghị (TAC) hoặc muốn trở thành đối tác chính thức của ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với từng đối tác sẽ tiến hành kiểm điểm quan hệ giữa ASEAN và các nước trong thời gian qua và phương hướng thúc đẩy quan hệ thời gian tới, trong đó có việc chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 vào tháng 9 tới tại Lào. Dự kiến, nước Chủ tịch Lào năm nay sẽ có các Tuyên bố của Chủ tịch về quan hệ với các nước đối tác. Ngoài ra, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc cũng có thể ra Tuyên bố chung về thực hiện đẩy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ bàn việc kiểm điểm thực hiện Kế hoạch công tác 2013-2017 và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch công tác mới cho giai đoạn tiếp theo, chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN+3 vào tháng 9/2016 trong đó có việc thông qua Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 về phát triển bền vững do Lào đề xuất.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS sẽ bàn về cấu trúc khu vực đang định hình và vai trò của EAS, việc triển khai Tuyên bố kỷ niệm 10 năm thành lập EAS do các Lãnh đạo thông qua tháng 11/2015, trong đó có các biện pháp tăng cường EAS như lập cơ chế Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN CPR+8 tại Jakarta (Indonesia) và thành lập Bộ phận EAS trong Ban Thư ký ASEAN. Hội nghị cũng sẽ bàn việc chuẩn bị cho Cấp cao EAS vào tháng 9/2016, trong đó có các văn kiện dự kiến được thông qua là Tuyên bố Cấp cao EAS về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Tuyên bố Viêng Chăn về Thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng do Lào đề xuất; Tuyên bố Cấp cao EAS về chống phổ biến vũ khí hạt nhân và Tuyên bố cấp cao EAS về người di cư và nạn buôn người.
Hội nghị ARF sẽ rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ vừa qua và thông qua danh sách các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017; cũng như bàn về định hướng tương lai của ARF.
Bên cạnh các vấn đề trên, các Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, tình hình Bán đảo Triều Tiên, khủng bố và bạo lực cực đoan, nạn buôn người, di cư bất thường…
Các Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng và các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên nghiêm trọng và trực diện hơn, đặc biệt là tình hình Biển Đông và hoạt động khủng bố. Tình trạng phục hồi chưa vững chắc của nền kinh tế thế giới và hệ lụy của việc nước Anh rời EU cũng có những tác động nhất định đến khu vực và ASEAN.