Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong cuộc họp, Việt Nam tái khẳng định ủng hộ một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel thông qua đối thoại, đàm phán và việc thực hiện các quyền hợp pháp không thể chối cãi của người Palestine.
Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nickolay Mladenov, nêu rõ những quan ngại và ý kiến của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà lãnh đạo châu Âu, các tổ chức và cá nhân ở cả Palestine và Israel phản đối kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập một phần lãnh thổ chiếm đóng ở khu vực Bờ Tây. Ông cho biết 22 nhà lãnh đạo nữ của Israel đã gửi một kháng thư đối với kế hoạch của chính quyền Israel, lo ngại kế hoạch sẽ gây ra những mối nguy hiểm không thể đảo ngược đối với người Israel, người Palestine và sự ổn định trong khu vực
Hầu hết đại diện các nước tại HĐBA đều phát biểu bày tỏ lo ngại và phản đối kế hoạch sáp nhập của Israel, coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và các nghị quyết của HĐBA. Các ý kiến bày tỏ lo ngại mọi bước đi của Israel nhằm sáp nhập lãnh thổ chiếm đóng sẽ cản trở tiến trình hoà bình, tác động tiêu cực đến tương lai của giải pháp hai nhà nước.
Các nước cũng đồng thời kêu gọi các bên tích cực tìm kiếm khả năng trở lại bàn đàm phán.
Đại diện các nước phát biểu cũng thể hiện lo ngại đối với tình hình dịch COVID-19 đang tăng nhanh ở cả Israel và Palestine.
Dịch bệnh trong bối cảnh điều kiện y tế thiếu thốn ở các khu vực dân cư Palestine, cộng với những khó khăn về kinh tế - xã hội đã khiến tình hình nhân đạo hết sức đáng lo ngại. Các nước kêu gọi cộng đồng quốc tế chung sức, tăng cường đóng góp cho ngân sách của Cơ quan cứu trợ và Hành động của LHQ cho người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông (UNRWA) nhằm giúp đỡ người dân khó khăn trong vùng bị ảnh hưởng.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại của các nước thành viên HĐBA và cộng đồng quốc tế về kế hoạch Israel sáp nhập một số phần lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây. Đại sứ khẳng định việc sáp nhập sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đi ngược lại lợi ích lâu dài của chính Israel. Nếu được thực hiện, kế hoạch sẽ tác động nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước, cũng như đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo mà người Palestine đang phải đối mặt.
Đại sứ bày tỏ sự đánh giá cao về quyết tâm của Tổng Thư ký LHQ và Điều phối viên đặc biệt trong việc thúc đẩy tất cả các bên liên quan khôi phục đối thoại và giảm bớt khó khăn của người Palestine; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho người dân Palestine trong thời điểm khó khăn, trong đó có ngân sách cho UNRWA.