Tham dự phiên họp có Chủ tịch quỹ, Tiến sĩ Barbara Hearings, Phó Vụ trưởngVụ Quan hệ quốc tế, Bộ Quốc phòng Liên bang Thụy Sĩ và một số đại sứ, trưởng phái đoàn là thành viên của hội đồng, đại diện phái đoàn thường trực tại Geneva của các nhà tài trợ và một số nước nhận dự án của GICHD như Anh, Áo, Campuchia, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Việt Nam....
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phiên họp tập trung trao đổi, kiểm điểm báo cáo hoạt động, tình hình tài chính, các dự án của GICHD thực hiện trong năm 2019 hỗ trợ cho gần 50 nước; giới thiệu về một số sáng kiến đào tạo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến giải quyết hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã bày tỏ cảm ơn Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Chấp hành đã nhất trí bầu Đại sứ làm thành viên hội đồng. Đại sứ đánh giá cao vai trò của GICHD trong lĩnh vực rà phá bom mìn, nhất là về quản lý thông tin, xây dựng tiêu chuẩn, tăng cường năng lực quốc gia, giảm thiểu rủi ro đối với cộng đồng do các hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh... Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ vui mừng đối với các kết quả tích cực trong năm 2019 của các hoạt động và dự án mà GICHD thời gian qua, trong đó có hai dự án hợp tác với các cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia (VNMAC), bao gồm hai dự án về quản lý rủi ro dài hạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE) và về nghiên cứu quá trình già hóa của bom đạn, chất nổ sót lại sau chiến tranh.
Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh, là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng các nỗ lực khắc phục hậu quả của bom, mìn và chất nổ sót lại sau chiến tranh, thông qua việc tăng cường hệ thống pháp luật quốc gia và hợp tác với các tổ chức, đối tác quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó có thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Khắc phục bom mìn khu vực ASEAN (ARMAC), cũng như hợp tác với GICHD. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng khẳng định sẽ nỗ lực cùng các thành viên hội đồng chấp hành thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và GICHD trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc thực hiện các dự án đang được thực hiện và tìm kiếm dự án hợp tác mới trong lĩnh vực hành động rà phá bom mìn tại Việt Nam.
Trung tâm GICHD thành lập năm 1998 nhằm hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu rủi ro của mìn và vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh đối với cộng đồng; tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: hỗ trợ thực địa, tăng cường năng lực và tư vấn, công tác đa phương với trọng tâm là xây dựng chuẩn mực, và nghiên cứu và phát triển tập trung vào các giải pháp xuyên suốt nhiều lĩnh vực. Trung tâm hoạt động nhờ vào đóng góp tài trợ dự án và hỗ trợ bằng hiện vật từ 30 chính phủ và tổ chức. Thành viên Hội đồng Chấp hành của Quỹ GICHD là các đại sứ trưởng phái đoàn thường trực tại Geneva của 21 nước gồm 10 nước tài trợ và 11 nước tiếp nhận dự án, cụ thể: Afghanistan, Albania, Anh, Áo, Campuchia, Canada, Colombia, Liên minh châu Âu, Australia, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Liban, Hà Lan, Senegal, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Việt Nam.