Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đến từ 191 quốc gia thành viên. Đoàn công tác Việt Nam gồm 10 đại biểu do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu. Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva đã chủ trì Phiên họp. Đây là năm thứ hai Đại sứ vinh dự đảm nhận trọng trách Chủ tịch Đại hội đồng WIPO.
Kỳ họp lần này sẽ thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gien, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước.
Một số nội dung chính dự kiến sẽ thu hút được sự quan tâm của các Thành viên bao gồm: (i) vấn đề mở rộng số lượng Thành viên của Ủy ban PBC; (ii) vấn đề triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua DLT và (iii) vấn đề mở các văn phòng đại diện của WIPO trong năm tài khóa 2018-2019.
Thay mặt ASEAN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã phát biểu tại phiên khai mạc của Đại hội đồng WIPO. Trong bài phát biểu Bộ trưởng nhấn mạnh rằng trong xu thế tình trạng nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và xu thế bảo hộ mậu dịch đang gia tăng, nền kinh tế ASEAN vẫn thể hiện xu thế tăng trưởng năng động, dự kiến ở mức 4,9% trong năm 2019; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,3% trong năm 2018, đạt mức 154.7 tỷ USD. Bộ trưởng cho rằng các nền kinh tế hiện nay đang dựa vào các tài sản vô hình, trong đó một số ngành như công nghệ tài chính, chế tạo và kết cấu hạ tầng đang tận dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn nhằm thay đổi mô thức kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, ASEAN đang đẩy mạnh triển khai các sáng kiến về đổi mới sáng tạo để bắt nhịp với cuộc cách mạng này. Để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ASEAN đang triển khai Kế hoạch hành động về Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025 và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Hệ thống sở hữu trí tuệ ASEAN cũng đang hội nhập sâu với hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới, biểu hiện thông qua việc gia nhập một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Cụ thể, tại Đại hội đồng lần này, Malaysia sẽ nộp văn kiện gia nhập Nghị định thư Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu, nâng số thành viên của ASEAN gia nhập điều ước này lên thành 9 thành viên. Campuchia cũng sẽ nộp văn kiện gia nhập Công ước Bern và Việt Nam sẽ nộp văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng có bài phát biểu quan trọng đại diện cho Việt Nam. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp nhằm nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam.
Kết quả là, chỉ số GII của Việt Nam liên tục tăng trong những năm vừa qua, trong đó năm 2018, chỉ số GII của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42, đứng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đạt được một số kết quả quan trọng trong năm vừa qua, đặc biệt ngày 22/8 vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030. Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ vào tháng 6/2019.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry. Tại buổi gặp, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng đã trao văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay cho Tổng giám đốc WIPO. Với việc gia nhập này, Việt Nam hiện đã là Thành viên của tất cả 3 điều ước về đăng ký quốc tế cho sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng do WIPO quản lý. Việc gia nhập điều ước này là một biện pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kiểu dáng ra nước ngoài và tạo thuận lợi hơn nữa cho môi trường kinh doanh của Việt Nam, góp phần vào công cuộc hội nhập kinh tế sâu rộng của nước ta.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng thông báo với Ngài Tổng giám đốc WIPO các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời cám ơn sâu sắc về những đóng góp quý báu của WIPO dành cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian vừa qua, cụ thể WIPO đã chia sẻ với Việt Nam phương pháp luận về cách tính toán và nâng cao chỉ số GII, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, gia nhập Thỏa ước La Hay, hỗ trợ triển khai Hệ thống quản trị điện tử WIPO IPAS tại Cục Sở hữu trí tuệ, triển khai Dự án Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ tại Việt Nam,…
Tối cùng ngày đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về GII và Thỏa thuận hợp tác về Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo giữa Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Cục Sở hữu trí tuệ với WIPO.
Cuộc họp Đại hội đồng WIPO 2019 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 09/10/2019.