Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Việt Nam một lần nữa khẳng định đặt ưu tiên cao nhất cho việc ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp và các thách thức toàn cầu vì một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, trưởng đoàn các nước thành viên Phong trào Không liên kết đã chia sẻ quan ngại chung về các thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, cũng như các tác động chưa từng có mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra; nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, LHQ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kêu gọi tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế để cùng ứng phó với đại dịch; tái khẳng định cam kết thúc đẩy tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh Phong trào Không liên kết cần tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy tôn trọng luật pháp, dân chủ hóa quan hệ quốc tế, chống lại các hành vi chính trị dựa vào quyền lực, thúc đẩy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cấm vận đơn phương. Phong trào Không liên kết cũng cần tăng cường phối hợp lập trường hơn nữa tại LHQ và các tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo sự tham gia dân chủ, công bằng và thực chất của các nước thành viên tại các diễn đàn này, đặc biệt trong quá trình đàm phán xây dựng các chiến lược, chương trình và cơ chế quốc tế về phát triển bền vững.
Để vượt qua các thách thức trong giai đoạn đại dịch hiện nay, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng các nước cần thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ, cải cách hệ thống kinh tế đồng thời cung cấp đầy đủ nguồn lực cho các nỗ lực ứng phó khủng hoảng và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Phong trào Không liên kết cần giữ vững các nguyên tắc Bangdung, tăng cường đoàn kết để cùng nhau phấn đấu vì những mục tiêu cao cả của phong trào, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Các nước thành viên Phong trào Không liên kết đã thông qua hai văn kiện tại hội nghị.
Thứ nhất là Tuyên bố chính trị chung khẳng định lại các mục tiêu, nguyên tắc của Hội nghị Bandung và Phong trào Không liên kết, Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế; quan ngại về các tác động của khủng hoảng tài chính, bất bình đẳng trong thương mại, đại dịch COVID-19, vấn đề trừng phạt đơn phương và thiếu nguồn lực cho các nước đang phát triển; nhấn mạnh Phong trào Không liên kết cần đoàn kết và thống nhất, lên án và kêu gọi xóa bỏ các hành động cấm vận đơn phương vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nhằm vào một số thành viên phong trào; nhấn mạnh cần bảo đảm sự tiếp cận công bằng, hiệu quả đối với thuốc đặc trị và vaccine điều trị COVID-19.
Thứ hai là Tuyên bố đặc biệt ủng hộ giải quyết xung đột giữa Azerbaijan và Armenia trên cơ sở các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ; ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan theo lập trường nguyên tắc của Phong trào Không liên kết.