Diễn ra trong các ngày từ 2-4/9, ACT+1 lần thứ 36 thu hút sự tham dự của khoảng 600 cán bộ, giáo viên đến từ các tổ chức công đoàn giáo dục, công đoàn giáo viên và hiệp hội giáo viên của 9 nước thành viên, gồm Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc. Hội nghị gồm 1 phiên hội thảo, phần trình bày các Báo cáo quốc gia và 4 phiên họp song song về các chủ đề: Các giải pháp rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật số trong giáo dục; Tham gia vào quá trình dạy và học mới; Trao quyền tự chủ cho giáo viên trong lập kế hoạch phục hồi học tập sau đại dịch; và Bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên sau đại dịch.
Ngoài các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ và trưng bày giới thiệu sản phẩm, Đoàn Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia với chủ đề “Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đại dịch: Những rào cản và biện pháp để cải thiện chất lượng trong thời kỳ hậu đại dịch” và Báo cáo chuyên đề “Giải pháp thu hẹp khoảng cách số trong giáo dục”.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết ACT+1 là diễn đàn của giáo giới khu vực, đề cập những vấn đề liên quan đến nhà giáo, nhà trường trong bối cảnh thực tiễn. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tham gia ACT+1 từ rất lâu. Tại hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên thảo luận song phương, đa phương để chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và học tập kinh nghiệm giáo dục từ các nước.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ân, tại các phiên thảo luận của hội nghị, các nước đã đưa ra dự báo về bối cảnh đổi mới của giáo dục nói chung cũng như sự thích ứng của giáo dục trước những biến đổi của thế giới, cũng như đề ra những giải pháp phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng.