Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Thay mặt cho ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã phát biểu dẫn đề về hợp tác chính trị-an ninh, nêu các định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Tại hội nghị, các nước đánh giá cao những tiến triển trong thực hiện chỉ đạo của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 21 (ở Singapore hồi tháng 11/2018) và nội dung “Tầm nhìn Quan hệ Đối tác ASEAN-Trung Quốc 2030”. Với 47 cơ chế hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc đã được triển khai mạnh mẽ.
Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 436,8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ 3 của ASEAN, đạt 11,3 tỷ USD (2017). Lượng khách du lịch hai bên luôn duy trì ở mức cao hơn 10 triệu người/năm. Nhiều hoạt động giao lưu nhân dân, thanh niên, trao đổi giáo dục, văn hóa, truyền thông đã được triển khai như tổ chức Tuần hợp tác giáo dục ASEAN-Trung Quốc, Trại Thanh niên ASEAN-Trung Quốc 2018 và Năm giao lưu truyền thông ASEAN-Trung Quốc 2019...
Về định hướng hợp tác trong tương lai, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai “Tầm nhìn Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030”, theo đó, ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn tất Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc 2016-2020, phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 1.000 tỷ USD và đầu tư lên 150 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên sẽ tập trung hợp tác vào các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, an ninh mạng, thúc đẩy kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển tiểu vùng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs), nông nghiệp, đổi mới-sáng tạo, phấn đấu sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP)...
Nhân dịp này, Trung Quốc cũng trình bày các đề xuất hợp tác với ASEAN về thành phố thông minh, giao lưu truyền thông, gắn kết giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với các các kế hoạch phát triển của ASEAN.
Cuộc họp cũng trao đổi về tình hình khu vực và thế giới. Các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và củng cố cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn ASEAN đoàn kết, thống nhất, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò và sự tham gia của Trung Quốc trong các diễn đàn do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, mong muốn Trung Quốc tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.
Cuộc họp cũng ghi nhận kết quả của cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được tổ chức trước đó, và những tiến triển trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nước nhất trí cần thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Trong phát biểu, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; kêu gọi kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin, tránh làm tình hình phức tạp và căng thẳng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.