Trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Cleverly, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực; đề nghị hai bên thúc đẩy những hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; mong muốn Chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần thực hiện các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26; phối hợp và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD, trong đó ưu tiên thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế và hỗ trợ các nước Đông Nam Á tiền gần hơn tới những tiêu chuẩn của OECD.
Nhất trí với những đề nghị của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Cleverly bày tỏ sự coi trọng đối với vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Ông đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, coi đây là thị trường tiềm năng cho đầu tư của Anh và khẳng định Anh mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai Bộ trưởng nhất trí cần xây dựng những biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức khu vực và toàn cầu. Hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương, trong đó có hợp tác trong khuôn khổ OECD.
Tiếp Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế và thương mại Hong Kong (Trung Quốc) Algernon Yau Ying-wah, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ giao lưu, hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong trong thời gian qua. Hong Kong hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7, nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 của Việt Nam và đổi lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.
Nhằm tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn giữa các cơ quan chính quyền, địa phương, doanh nghiệp và người dân; đề nghị Hong Kong tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình cấp thị thực nhập cảnh cho các công dân và doanh nhân Việt Nam; nghiên cứu thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hong Kong, đồng thời khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hong Kong tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Hong Kong tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày của Việt Nam; ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại Hong Kong.
Cục trưởng Algernon Yau Ying-wah bày tỏ ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua và chia sẻ đánh giá của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về tầm quan trọng của hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong. Ông Algernon Yau nhấn mạnh các doanh nghiệp lớn của Hong Kong đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, mong muốn tiếp cận và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, trong đó có những lĩnh vực mới như công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ông khẳng định Hong Kong sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Khu vực Vịnh lớn (Hong Kong-Ma Cao-Quảng Đông). Ông Algernon Yau cũng ghi nhận và sẽ chuyển đề nghị về việc xem xét vấn đề thị thực nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hong Kong cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Cũng trong ngày 7/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trao đổi ngắn với Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis.
Hai Bộ trưởng đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước những năm qua, đồng thời nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, đồng thời tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.