Từ tháng 3/2021 đến hết ngày 2/1/2022, nước ta đã tiếp nhận hơn 195 triệu liều vaccine và Bộ Y tế đã phân bổ 113 đợt với tổng số 176,8 triệu liều, còn khoảng 18,2 triệu liều mới được tiếp nhận, đang trong thời kỳ tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng.
Đây là tiền đề để Việt Nam có thể đạt được những thành công đáng kể trong việc khống chế đại dịch COVID-19 vào năm 2022.
Bước “nhảy vọt” về vaccine trong năm 2021
Trong năm 2021 Đảng, Nhà nước ta đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp thành lập Quỹ vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.
Đến cuối năm 2021, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều (tăng khoảng 4 lần) và khoảng 88% được tiêm 2 liều (tăng hơn 21 lần so với cuối tháng 8/2021).
Bước “nhảy vọt” về vaccine đã được TTXVN bình chọn là một trong mười sự kiện nổi bật trong năm 2021 của Việt Nam.
Nước ta từng thành công trong việc chống lại đại dịch COVID-19 ở 3 đợt bùng phát trước đây. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4/2021) với biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đã làm đảo lộn tình hình. Tính đến cuối ngày 4/1/2022, trong đợt dịch này nước ta có tới 1.794.866 ca mắc, trong đó TP Hồ Chí Minh có tổng số ca F0 lớn nhất (505.523 người), Bình Dương (291.061 người), Đồng Nai (98.183 người), Tây Ninh (78.837 người), Hà Nội (54.230 người)…
Nói theo cách của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đợt dịch lần thứ tư tại Việt Nam phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt trước vì mang tính chất “đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng”.
Biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh hơn vài lần so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2, có thời gian ủ bệnh ngắn (khoảng 2-4 ngày) trong khi các chủng trước đó có thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày. Chủng mới đặc biệt lây nhiễm nhanh trong môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người (hội họp, đám cưới, đám ma, quán karaoke, khu công nghiệp….). Chẳng hạn, một công nhân mắc COVID-19 ở tỉnh Bắc Giang, sau 5 ngày đã kịp truyền virus cho hàng trăm người tại nhiều công ty khác nhau trong một khu công nghiệp.
Do SARS-CoV-2 biến đổi nên chiến lược ứng phó của Việt Nam đối với COVID-19 cũng phải thay đổi theo. Phương châm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) được bổ sung thành tố mới là vaccine, trở thành “5K + vaccine”.
Bước ngoặt trong phòng, chống dịch ở Việt Nam được khởi đầu bằng việc Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tối 5/6 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thủ tướng khẳng định: “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19.”
Với kế hoạch mua 150 triệu liều vaccine để tiêm miễn phí cho khoảng 75 triệu dân, Bộ Tài chính ước tính cần khoảng 25.200 tỷ đồng. Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay trong buổi lễ ra mắt Quỹ vaccine, hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp để chung tay cùng Chính phủ chống lại đại dịch.
Tiếp đó, sáng 7/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Theo Thủ tướng, với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân là trước hết, trên hết, trong năm nay Việt Nam phải có đủ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho 75 triệu người dân; những năm tiếp theo vẫn cần một lượng lớn vaccine để tiếp tục việc tiêm phòng.
Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vaccine phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiêm đại trà cho nhân dân.
Thành công của Chiến lược vaccine phòng COVID-19 một phần quan trọng là do chính sách ngoại giao vaccine đúng đắn, mềm dẻo và nhất quán của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành mang lại.
Vào giữa năm 2021, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa ra một dự báo ảm đạm -Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.
Trên thực tế, tới đầu tháng 8, tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong Đông Nam Á (chỉ hơn Myanmar) với hơn 8 triệu liều tiêm, mới đạt mức bao phủ 1 liều cho 7,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp là do Việt Nam không nhận được ưu tiên phân phối vaccine với lý do nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm trong khi chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm 2020.
Ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo về việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đã triển khai hết sức quyết liệt, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương thông qua các tổ chức quốc tế, cơ chế COVAX, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vaccine trong nước cũng như ngoài nước để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất, không chỉ vaccine mà cả thuốc điều trị và trang thiết bị cho nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các “tư lệnh ngành”, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao: "Phải nhập khẩu được vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Khó khăn là khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta ngồi im".
Từ một quốc gia thiếu hụt vaccine trầm trọng để triển khai chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam trở thành một trong những nước có độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng số liều vaccine ở nước ta đã được tiêm là 150.935.915 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.555.511 liều, tiêm mũi 2 là .435.813 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 4.944.591 liều. Độ bao phủ vaccine của Việt Nam vượt xa mức trung bình trên thế giới (48,37%).
Từ tháng 3/2021 đến hết ngày 2/1/2022, nước ta đã tiếp nhận hơn 195 triệu liều vaccine.
Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng trong năm 2022
Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có sự chỉ đạo sâu sát đối với các cấp, các ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022, trong đó có chiến lược vaccine.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 1/NQ-CP ngày 31/12/2021 về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết 1/NQ-CP nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách thì Chính phủ cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c, khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 67 - Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Đối với vaccine do chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách thì Chính phủ cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại Điểm c Khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.
Đối với các vaccine do chính phủ các nước viện trợ và đã được cấp phép nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách thì Chính phủ cho phép miễn Hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vaccine, Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và phải bảo đảm an toàn, hiệu quả
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9656/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội để thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vaccine Pfizer được gia hạn.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo cụ thể về lượng vaccine được tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong quý I năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn 9629/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Công văn nêu rõ, để tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm về số lượng vaccine và tiến độ tiêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:
Bộ trưởng Bộ Y tế có nhiệm vụ chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế phải tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Tính đến ngày 5/1/2022 ở nước ta đã có gần 155 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân để phòng COVID-19. Theo số liệu của Bộ Y tế được cập nhật vào ngày 3/1/2022, về độ bao phủ ít nhất 1 liều cho dân số từ 18 tuổi trở lên thì có 45/63 tỉnh, thành phố đạt hơn 95%; 11 địa phương bao phủ từ 90 - 95%... Về độ bao phủ đủ liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên, đã có 32 tỉnh, thành phố đạt hơn 90%; 25 tỉnh, thành phố đạt từ 80 – dưới 90%; 6 địa phương còn lại ở mức dưới 80%.
Có 23 tỉnh, thành phố cơ bản bao phủ vaccine cho nhóm tuổi từ 12-17 là Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Trong bối cảnh biến thể mới nhất của SARS-CoV-2 là Omicron đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Chính phủ nước ta vẫn coi vaccine là vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại dịch COVID-19. Điều này trùng hợp với quan điểm của WHO.
Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng, có khả năng biến thể Omicron siêu lây nhiễm không gây bệnh COVID-19 nặng hơn so với các biến thể trước đó và khó có khả năng khiến vaccine COVID-19 trở nên vô hiệu. Theo ông, vaccine vẫn là “vũ khí tốt nhất hiện có” của nhân loại nhằm khắc chế dịch bệnh.