Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, tham dự Hội nghị AZEC tại Tokyo từ ngày 3-4/3 tới. Hội nghị AZEC là hội nghị đầu tiên mà Nhật Bản tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Fumio Kishida. Theo Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh, đây cũng là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng giữa Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á và Australia để trao đổi các biện pháp hỗ trợ phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.
Sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị này có ý nghĩa quan trọng trong việc tái khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26); khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam dành cho các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản đối với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo, đào tạo và trao đổi nhân lực...
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vào năm 2050. Mặt khác, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu đó, việc Việt Nam chuyển hướng sang phát triển ít phát thải khí nhà kính không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia hoàn thiện cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Với vai trò Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham gia quá trình thiết lập đối tác chiến lược với Nhật Bản, trong đó triển khai nghiên cứu về biển, vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu, vấn đề khí tượng thuỷ văn... và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác mà hai nước có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Phó Thủ tướng đã bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản đối với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng cũng như mối liên hệ đặc biệt về văn hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia có trách nhiệm rất cao và sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản trong thực hiện các cam kết, mục tiêu toàn cầu, qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trở thành hình mẫu trong mối quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị sẽ thúc đẩy hợp tác về môi trường, năng lượng, thảo luận về việc xây dựng những lộ trình cụ thể hiện thực hoá những sáng kiến. Một trong các yếu tố tiên quyết để thực hiện chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu net zero cũng như bảo vệ người dân trước thiên tai, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực này tại hội nghị và kêu gọi sự hợp tác từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật Bản.
Những sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện net zero theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, song hành với phát triển kinh tế là khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể của các nước khu vực châu Á cũng như nhiều nước đang phát triển. Trong đó phải kể đến việc các nước châu Á hầu hết mới bắt đầu phát triển vài thập kỷ gần đây; công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch tương đối hiện đại, nhu cầu năng lượng vẫn đang tăng rất nhanh nên phải có cách tiếp cận phù hợp để vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Các công nghệ, biện pháp Nhật Bản đưa ra và sẵn sàng chia sẻ để thực hiện net zero là rất phù hợp.
Tương tự cơ chế chia sẻ vaccine trong phòng, chống đại dịch COVID-19, các nước đang phát triển chỉ có thể chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện thành công net zero nếu các nước phát triển chủ động, tích cực thúc đẩy chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, tích điện, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh… Việt Nam sẽ đóng góp tiếng nói của mình tại hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa về vấn đề này giữa các quốc gia đang phát triển với các quốc gia phát triển.
Theo Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh, Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Cả hai quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc cùng hợp tác để giải quyết những thách thức toàn cầu này, đã thực hiện một số sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động của chúng và đạt được một số thành tựu.
Thứ nhất, đó là hoàn thiện chính sách và thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Nhật Bản là quốc gia đồng sáng lập Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC) tại Việt Nam từ năm 2011 đến 2020. Trong 10 năm hoạt động, Nhật Bản cùng các quốc gia khác đã phối hợp với các bộ, ngành Việt Nam xây dựng, hoàn thiện và ban hành gần 400 hành động chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng để Việt Nam có thể huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp vào ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua SPRCC, gần 1,5 tỷ USD đã được huy động để thực hiện các chương trình, dự án ở 61 tỉnh, thành phố Việt Nam và các bộ, ngành.
Thứ hai, đó là xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh. Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược Tăng trưởng Xanh với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Chiến lược này nhằm thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Thành tựu thứ ba là thúc đẩy năng lượng tái tạo. Nhật Bản đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và sinh khối.
Thứ tư là thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán. Nhật Bản đã và đang hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm thích ứng với những tác động này thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm Dự án Quản lý tổng hợp vùng ven biển và Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Hồng.
Thành tựu thứ năm là kiểm soát ô nhiễm môi trường. Việt Nam đã và đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí và nước. Nhật Bản đã hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát ô nhiễm thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm Dự án Cải thiện môi trường Việt Nam -Nhật Bản và Sáng kiến Chung Việt Nam - Nhật Bản về quản lý môi trường đô thị.
Thứ sáu là bảo tồn rừng. Việt Nam đang phải đối mặt với nạn phá rừng và suy thoái rừng do khai thác gỗ trái phép và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Nhật Bản đã hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn rừng thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm Kế hoạch hành động Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị và Thương mại (FLEGT) và Chương trình Giảm phát thải từ Mất rừng và Suy thoái rừng (REDD+).
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Kế hoạch Hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là văn kiện hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thực hiện cam kết hành động của Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra cam kết hành động mạnh mẽ hướng tới mục tiêu chung về trung hòa carbon.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu đã đạt được những thành tựu to lớn và tác động tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết những thách thức toàn cầu này và quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được sự phát triển bền vững.