Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường; từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu sang một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất; từ nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình. Hiện nay, chúng ta hướng đến mục tiêu lớn lao hơn là trở thành “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng hơn 20 năm tới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và toàn diện hơn, cam kết giảm 30% lượng khí thải mê tan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững về kinh tế, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất; nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức to lớn như về hạ tầng, dân số già hóa đang ngày càng tăng lên... Đồng thời với đó là các vấn đề về chính trị, xã hội, thể chế.
Môi trường kinh tế toàn cầu cũng đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng do những bất ổn, xung đột chính trị tại nhiều nơi trên thế giới. Điều này đang đặt ra những thách thức chưa từng có và có thể làm suy yếu tiến trình phát triển của Việt Nam cũng như của nhân loại trong thời gian tới.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nhấn mạnh, theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu, tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam có được trong những thập kỷ vừa qua có tác động rất lớn của tự do hóa đúng thời điểm, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên phong phú, lao động dồi dào. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, trở thành quốc gia, vùng lãnh thổ có thu nhập cao như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã làm được trong những thập kỷ vừa qua hay chúng ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như cảnh báo của các chuyên gia? Để quá trình phát triển không dừng lại, chúng ta cần có những định hướng chiến lược, những hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững.
Tại tọa đàm, nhiều diễn giả trong nước và quốc tế đã đánh giá tổng quan về tình hình phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua và phân tích những tồn tại, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế; phân tích các chính sách phát triển của Việt Nam, so sánh với kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực về xây dựng và thực thi chính sách phát triển. Đồng thời, gợi ý một số chính sách cho Chính phủ, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với thách thức mới.
Các chuyên gia nhận định, giai đoạn 2024 - 2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta, đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, nhìn nhận, đánh giá các thành quả phát triển trong ba thập kỷ qua cũng như phân tích khả năng ứng phó với bối cảnh mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Giáo sư Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam ở mức vừa phải, không có đột phá về năng suất như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi thực hiện các quy trình đơn giản hơn là thiết kế, sản xuất công nghệ cao, đã phản ánh chất lượng đào tạo, trình độ công nghệ của Việt Nam… Điều này còn khiến Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào FDI để xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn “mờ nhạt” trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Chính vì vậy, dù nhận xét Việt Nam có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, cùng sự “trỗi dậy” của một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh nhưng Giáo sư Kenichi Ohno cho rằng, Việt Nam cần nhiều hơn thế, bằng cách nâng cao năng lực lãnh đạo cũng như tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới.