Đây là khẳng định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Y tế Thế giới ngày 21/5 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Geneva, với mục tiêu tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, Việt Nam có một kế hoạch hành động tham vọng và cam kết chính trị vững chắc nhằm nâng cao năng lực cho hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, y sĩ y học cổ truyền theo nguyên lý y học gia đình, tập trung vào tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, phát hiện sớm, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Cải cách cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo con người, y tế cơ sở hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình là những nội dung chính của cải cách chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việt Nam huy động các nguồn tài chính khác nhau trong đó có các khoản vay ưu đãi và tài trợ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Châu Âu (EU) và các đối tác phát triển khác.
Bộ trưởng Kim Tiến cũng chia sẻ khó khăn lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay là cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp cơ sở. Ngoài ra, mô hình công-tư vẫn chưa được thực hiện hợp lý, hiệu quả. Thuế đối với các sản phẩm rượu, thuốc lá chưa được huy động và sử dụng hiệu quả cho các chương trình nâng cao sức khỏe.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh, với những đầu tư tập trung cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải cách cơ chế tài chính, tăng cường nhân lực y tế, tăng khả năng tiếp cận với thuốc, vắc-xin và các sản phẩm y tế, cùng với cam kết chính trị mạnh mẽ, Việt Nam đang xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững.
Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, những vấn đề được Bộ trưởng Y tế đề cập cũng chính là những nội dung trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72, diễn ra từ ngày 20-28/5 tại Geneva. Khoảng 4.000 đại biểu của 194 quốc gia thành viên WHO đang tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới, với chương trình nghị sự gồm hơn 70 chủ đề thảo luận.
Hơn một nửa dân số thế giới vẫn chưa tiếp cận được với chăm sóc y tế cơ bản. Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72, vấn đề bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế cần thiết mà không gặp phải bất cứ khó khăn tài chính nào, vẫn tiếp tục là trọng tâm của các thảo luận.
Chương trình nghị sự của Đại hội đồng Y tế Thế giới cũng dự kiến thông qua ngân sách 2020-2021, với giá trị lên tới 4,8 tỷ USD nhằm đạt các mục tiêu như cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, bảo vệ người dân khỏi các tình huống khẩn cấp về y tế. Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe con người, vấn đề tiếp cận với vắcxin, sức khỏe của người di cư. Ngoài ra, cải cách thể chế tại WHO, vấn đề hội nhập ngày càng mạnh mẽ của WHO vào hệ thống Liên Hợp Quốc cũng là các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72.
Bên cạnh chương trình nghị sự dày đặc, vấn đề gia tăng các trường hợp mắc bệnh và số lượng ca tử vong liên quan đến bệnh Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo cũng là chủ đề nóng tại Đại hội đồng. Theo số liệu mới nhất, gần 1.800 người đã bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Các nhà chức trách địa phương cũng cho biết, số người chết được xác định đã vượt quá 1.000 và hàng trăm người đã được điều trị khỏi bệnh. Trải qua gần 1 năm không thể kiểm soát dịch bệnh, WHO vừa công bố biện pháp can thiệp ở cấp độ gần với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi virút.
Là cơ quan quyết định tối cao của WHO, Đại hội đồng Y tế Thế giới họp thường niên vào tháng 5 tại Geneva để xem xét và xác định các định hướng hoạt động, tài chính, tổ chức và các chương trình làm việc sắp tới.