Hơn 70 doanh nghiệp hai nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nông sản thực phẩm, hải sản, dệt may, da giày, hàng điện tử, dược phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc thú y, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí, linh kiện phụ tùng ô tô xe máy, vật liệu xây dựng,… đã tham gia hội thảo này. Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh cho biết đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria tổ chức hội thảo giao thương bằng hình thức trực tuyến. Đây là cách thức hiệu quả để kết nối doanh nghiệp hai nước giúp họ gặp gỡ, trao đổi về khả năng hợp tác thương mại, đầu tư và thiết lập quan hệ trực tiếp. Đại sứ cũng khẳng định Đại sứ quán luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, giới thiệu đối tác tin cậy và triển khai các dự án hợp tác trong tương lai.
Tại Hội thảo, Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu tiềm năng xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai nước, trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp hai bên liên quan đến quy định xuất nhập khẩu, phương thức thanh toán, thuế quan, cách xác minh đối tác, các kênh phân phối, những ưu đãi đầu tư vào Algeria…Sau đó, các doanh nghiệp bước vào trao đổi trực tiếp để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Đại sứ quán và Thương vụ, đồng thời mong muốn có nhiều sự kiện tương tự để kết nối doanh nghiệp hai nước.
Theo Tham tán Hoàng Đức Nhuận, ngày 10/11 tới, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và một số Thương vụ Việt Nam ở châu Phi sẽ tổ chức Hội thảo giao thương trực tuyến giữa Việt Nam và các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi. Tham tán Hoàng Đức Nhuận nhấn mạnh: "Những hội thảo như vậy góp phần tạo cơ sở kết nối giao thương, tìm kiếm các đối tác uy tín và là bước chuẩn bị tốt cho thời kỳ hậu COVID-19".
Hiện Algeria là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Năm 2019, GDP của nước này đạt 169 tỷ USD, dự trữ ngoại hối 72,6 tỷ USD (tương đương 20 tháng nhập khẩu) vào cuối năm này. Dân số Algeria tương đối đông, khoảng 44 triệu người, GDP bình quân đầu người trên 3.900 USD với sức mua khá lớn. Tổng kim ngạch nhập khẩu mỗi năm của Algeria khoảng 40 tỷ USD. Mặc dù Algeria đang chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong đó có 50% lương thực, thực phẩm.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria năm 2019 đạt 187 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm cà phê (110,65 triệu USD), nhôm (16,11 triệu USD), thủy sản (10,99 triệu USD), điện thoại di động và linh kiện (8,2 triệu USD), gạo (6,2 triệu USD), hóa chất (5,2 triệu USD), máy giặt (4,6 triệu USD), hàng rau quả (3,2 triệu USD), hạt điều (2,9 triệu USD), sợi các loại (2,5 triệu USD), hạt tiêu (2,1 triệu USD), vải (1,9 triệu USD),… Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Algeria không đáng kể, năm 2019 chỉ đạt 3,24 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm chân gà (1 triệu USD), giấy phế liệu (152.579 USD), gỗ và sản phẩm gỗ (129.229 USD), thức ăn gia súc và nguyên liệu (97.422 USD), dược phẩm… Từ tháng 1-9/2020 do tác động của đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 117 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.