Tác phẩm gồm 4 ảnh này vừa được nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Đây là phần thưởng cao quý, sự ghi nhận rất có ý nghĩa đối với một nhà báo lão thành của TTXVN. Được biết, một số tác phẩm khác của những nhà nhiếp ảnh thông tấn cũng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước trong dịp này. Đây là niềm vui chung của giới nhiếp ảnh và những người làm thông tấn. Với riêng tôi, nhóm ảnh về "Hai người lính" gắn với ký ức không quên từ nửa thế kỷ trước, với những kỷ niệm cùng nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành.
Đầu tháng 2/1973, ngay sau khi hiệp định Paris vừa ký kết, anh Chu Chí Thành và tôi lên đường vào Quảng Trị. Chúng tôi được Ban lãnh đạo TTXVN giao nhiệm vụ làm thông tin về việc triển khai hiệp định vừa ký, nhất là việc trao trả tù binh ở bờ sông Thạch Hãn, cùng các hoạt động như gìn giữ hoà bình, xây dựng chính quyền, ổn định cuộc sống của người dân tại vùng đất chiến tranh tàn phá khốc liệt này. Vì theo hiệp định, sẽ có hai điểm trao trả tù binh giữa hai bên, ở thị xã Quảng Trị, và ở Lộc Ninh (Bình Phước).
Đến Đông Hà, chúng tôi cùng anh Thanh Phong, Trưởng phân xã, và các anh chị em Phân xã TTXGP Quảng Trị bắt tay ngay vào công việc. Nhiệm vụ chính là chuẩn bị cho công tác trao trả tù binh. Thời gian không có nhiều vì khoảng giữa tháng hai, các đợt trao trả đầu tiên đã được thực hiện. Bãi trao trả ở ngay bờ sông, phía bên này quốc lộ 1, sát chân cầu Thạch Hãn. Bên kia sông là thị xã Quảng Trị, nơi những trận đánh ác liệt ở thành cổ vừa diễn ra chưa lâu .
Chúng tôi tập trung trước hết vào việc đưa tin, ảnh về hoạt động trao trả tù binh giữa hai bên. Sau những trục trặc ban đầu, mọi việc đã diễn ra theo dự định, mặc dù hàng ngày là cuộc đấu trí gay gắt để thực hiện một nột dung rất quan trọng của hiệp định, liên quan đến hàng ngàn con người. Chúng tôi đã chứng kiến niềm vui của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ta sau những năm lao tù được trở về trong tình đồng chí, đồng đội. Niềm vui của người lính Cộng hòa (thuộc chế độ Sài Gòn cũ) được trao trả cho phía bên kia cũng để lại những ấn tượng khó quên. Khát vọng hoà bình, đoàn tụ sau những năm tháng chiến tranh ác liệt là mong mỏi chung của mọi con người Việt Nam.
Chúng tôi đã làm tin, viết bài, ghi lại hình ảnh về các đợt trao trả. Một nhóm ảnh về sự kiện này của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã được trao Giải thưởng Nhà nước. Trong nhóm 4 ảnh đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này của anh cũng có hình ảnh chiến sĩ giải phóng và những người lính Cộng hòa được trao trả vẫy chào nhau tại khu vực này.
Tháng 3/1973, vào khoảng thời gian giữa các đợt trao trả, chúng tôi thực hiện chuyến đi về vùng giáp ranh ở Triệu Phong nhằm phản ánh tình hình ở khu vực đan xen giữa lực lượng cách mạng và quân Cộng hòa sau thời điểm ngừng bắn, một tình thế rất đặc biệt mới hình thành ở đây. Cùng đi với anh Chu Chí Thành và tôi còn có nhà quay phim Quý Khôi của xưởng phim tài liệu trung ương. Trong năm 1972, tôi đã có có các đợt công tác về Triệu Phong, cả khi khu vực này mới được giải phóng cũng như trong thời gian chống phản kích ác liệt. Vì vậy, tôi khá quen thuộc với địa bàn và con người ở đây.
Chúng tôi đi qua các xã Triệu Độ, Triệu Thành... rồi dừng chân ở Triệu Trạch. Đây là xã điển hình cho tình thế cài răng lược ở Triệu Phong sau khi hiệp định Paris ký kết. Một phần địa bàn do chúng ta quản lý. Quân Cộng hòa chiếm giữ một số thôn. Tình thế đó tạo nên một tuyết giáp ranh ngay trên đất Triệu Trạch. Điều đáng mừng là khi ấy, tình hình khá yên ổn, chưa có nhiều căng thẳng, dù công cuộc bảo vệ đất, bảo vệ dân, chống lấn chiếm luôn cần sự cảnh giác, sẵn sàng. Tại một số nơi đã có sự gặp gỡ, giao lưu giữa những người lính của hai bên, có các điểm "hoà hợp" là nơi gặp mặt của những người lính từ hai phía. Thôn Long Quang là một địa điểm như vậy.
Sau khi tìm hiểu tình hình, các anh Chu Chí Thành, Quý Khôi và tôi quyết định tham dự một cuộc gặp ở đây. Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi cùng các anh em bộ đội và du kích xã đến “điểm hoà hợp”, một bãi đất rộng ở rìa thôn, chờ đợi. Đến giờ hẹn, những người lính Sài Gòn xuất hiện. Có một chút e dè vì có thêm chúng tôi. Nhưng điều ấy nhanh chóng qua đi vì những người lính hai bên đã có một số lần gặp gỡ và trở nên quen biết. Chúng tôi nói chuyện về các vùng quê, hỏi về gia đình, cuộc sống, và cả những vất vả đã phải trải qua.
Tôi nhớ một người lính Cộng hòa chia sẻ:
- Mệt mỏi lắm rồi mấy anh ơi! Tui chỉ mong được đến ngày về quê, giúp tía má mần mấy công đất. Có cô nào thương cưới làm vợ, có con cho ông già bà già vui lòng.Vậy thôi!
Tâm tư ấy được sự đồng cảm của mọi người. Qua những dè dặt ban đầu, những người lính Cộng hòa không còn e ngại khi chúng tôi trò chuyện, chụp ảnh, ghi hình dù biết đây là những nhà báo. Những bức ảnh của anh Chu Chí Thành được thực hiện trong hoàn cảnh như vậy, trong đó có những ảnh chụp chung và đặc biệt là hình ảnh chụp riêng hai người lính từ hai phía, sau này được biết tên là Nguyễn Huy Tạo, chiến sĩ giải phóng và Bùi Trọng Nghĩa, người lính Cộng hòa. Đấy là những hình ảnh rất quý về khoảnh khắc lịch sử hiếm hoi của thời kỳ này được ghi lại.
Sau cuộc gặp ở Long Quang, chúng tôi vòng ra Cửa Việt, sang đất Gio Linh, về Cửa Tùng, đi dọc vành đai điện tử, qua Gio Mỹ, Trung Hải, đến cầu Hiền Lương rồi lại ngược về Đông Hà cho kịp đợt trao trả tù binh mới ở Thạch Hãn. Các hình ảnh, bài viết về vùng giáp ranh, về cuộc sống, con người ở Triệu Phong, Gio Linh được gửi ra Hà Nội, đáp ứng yêu cầu thông tin ở thời điểm ấy. Sau khi hoàn thành công việc ở Quảng Trị, chúng tôi trở về Hà Nội vào tháng 5/1973. Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, khi về cơ quan, biết bức ảnh về “ Hai người lính” chưa được sử dụng, anh đã tìm bức ảnh này trong số các phim lưu và gìn giữ như một tư liệu quý.
Năm 2007, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành giới thiệu bức ảnh về "Hai người lính" trong các trưng bày của mình, với mong mỏi tìm lại các nhân vật trong ảnh. Câu chuyện đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người đã góp phần cung cấp thông tin, chắp nối và tìm kiếm cùng tác giả. Và điều tốt đẹp đã đến: Năm 2015, chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo xuất hiện. Năm 2017, sau nhiều khó khăn và vượt qua cả những mặc cảm, e dè, người lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa cũng đã lộ diện. Sau chiến tranh, như hàng triệu người lính, họ trở về với cuộc sống trong hoà bình bên người thân, gia đình ở hai miền đất nước. Cả hai đều khá bất ngờ và coi là một kỷ niệm đặc biệt khi nhận thấy mình trong bức ảnh của nhà báo Chu Chí Thành. Năm 2018, kỷ niệm 45 năm ký Hiệp định Paris, đã có cuộc gặp rất cảm động giữa tác giả Chu Chí Thành và “Hai người lính” trong tác phẩm của mình - Nguyễn Huy Tạo và Bùi Trọng Nghĩa trên đất Quảng Trị. Một cuộc gặp rất nhiều ý nghĩa trong sự xúc động và niềm vui chung của mọi người.
Hình ảnh về “Hai người lính” mang dấu ấn lịch sử, phản ánh khát vọng hoà bình, hoà hợp dân tộc trong một hoàn cảnh điển hình. Tác phẩm đã thể hiện sự nhạy bén, cái nhìn có chiều sâu, nhân văn của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Giải thưởng Hồ Chí Minh trao tặng cho tác phẩm này là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của một nhà báo lão thành cho sự nghiệp nhiếp ảnh, thông tấn nước nhà, và là niềm vui chung của bạn bè, đồng nghiệp.