Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, qua nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhân vật lịch sử cho thấy, xã Hiếu Thành cũ, huyện Vũng Liêm (nay là địa bàn 3 xã: Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành, Hiếu Nhơn) là vùng đất có truyền thống cách mạng, đại đa số nhân dân ủng hộ cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tích cực hỗ trợ sức người, sức của trong các trận đánh, chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Cầu Kè, 5 trận đánh lớn ở Yếu khu Thầy phó...
Song song đó, xã Hiếu Thành cũ và các xã giáp ranh của huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), huyện Cầu Kè, huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) có địa bàn đồng bằng rộng lớn, trù phú, là "vùng ruột" kháng chiến của 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Nơi đây, trong thời kỳ kháng chiến đã từng là địa bàn giằng co rất quyết liệt giữa ta và địch. Đặc biệt, tại ấp Hiếu Tín, xã Hiếu Thành (nay thuộc ấp Hiếu Tín, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) đã được xây dựng Bia Mặt trận Cây Điệp để ghi nhớ những chiến công của quân du kích. Tuy nhiên, Bia mặt trận Cây Điệp chưa phản ánh hết truyền thống đấu tranh cách mạng và những chiến công của vùng đất này trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải trùng tu, nâng cao Bia chiến thắng Mặt trận Cây điệp để tương xứng với tấm vóc, ý nghĩa lịch sử kháng chiến hào hùng ở vùng đất giáp ranh của 4 huyện thuộc hai tỉnh, bao gồm: Cầu Kè, Càng Long (tỉnh Trà Vinh); Trà Ôn, Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Đây đều là các địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nơi từng là vùng nuôi giấu các cơ quan đơn vị cấp khu, là nơi nhiều lần nhân dân hết lòng che chở, nuôi chứa cán bộ.
Các đại biểu đề xuất cần có sự bàn bạc, thảo luận kỹ giữa hai tỉnh về tên gọi, vị trí xây dựng, thời gian, kinh phí thực hiện công trình, nhất là phác thảo mô hình công trình phù hợp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, nghệ thuật, vừa chuyển tải được nội dung, giá trị lịch sử, đề cao vai trò của nhân dân…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng bia, tượng đài căn cứ cách mạng tại đây để lưu giữ những dấu ấn lịch sử của hai địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan khảo sát, điều chỉnh lại diện tích khuôn viên đặt bia, tượng đài để phù hợp với thực tế tại địa phương.
Các đơn vị cần tích cực hoàn chỉnh mô hình bia, tượng đài, tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện thiết kế mô hình bia, nội dung văn bia… Sau khi có sự thống nhất về mặt chủ trương giữa hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, các đơn vị cần phối hợp để sớm triển khai thực hiện các thủ tục đúng quy định, nhanh chóng để hoàn thiện công trình nhằm xứng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử hào hùng của vùng kháng chiến thuộc 2 tỉnh.