Vốn là yếu tố quyết định để phát triển giao thông vùng Tây Bắc

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của cả vùng Tây Bắc.

Đây cũng là nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức sáng 20/7 với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo Bộ GTVT, các tỉnh trong vùng Tây Bắc và các ngành có liên quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá, động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng và cả nước. Trong những năm qua, giao thông vùng Tây Bắc đã có bước chuyển biến mạnh mẽ với nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các tuyến quốc lộ chính được cải tạo, nâng cấp; các tuyến vành đai, đường tuần tra biên giới được đầu tư; đặc biệt các dự án đường cao tốc đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đối với giao thông nông thôn cũng có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc nói chung còn thiếu, nhiều yếu kém và chưa đồng đều, cấp độ thường thấp, xuống cấp nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Nhiều dự án tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu, gây bức xúc cho nhân dân và khó khăn cho địa phương. Hệ thống đường ngang còn thiếu; đường tuần tra, vành đai biên giới đầu tư rất hạn chế. Việc nâng cấp, xây dựng các tuyến đường địa phương vẫn còn chậm, thiếu nguồn lực và gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không) chưa hợp lý và đồng bộ; chưa chú trọng và đầu tư thỏa đáng đến phương thức vận tải có sức chở lớn.

Theo ông Nguyễn Cảnh Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, giao thông vận tải vùng Tây Bắc hiện có 4 phương thức, trong đó vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất. Thời gian qua, phương thức này đã được quan tâm, đầu tư, cải tạo nâng cấp, xây dựng mới, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Toàn vùng đã hoàn thành được 3.718/6.730 km quốc lộ; các dự án đường cao tốc Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang đã hoàn thành, đưa vào khai thác; các dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới đang tiếp tục được đầu tư. 

Ba phương thức còn lại là giao thông đường sắt, đường thủy, hàng không còn hạn chế. Giao thông hàng không mới chỉ có sân bay Điện Biên hoạt động, còn sân bay Nà Sản (Sơn La) dừng hoạt động, sân bay Lào Cai và Lai Châu đang ở khâu lập quy hoạch. Những vấn đề trên được lãnh đạo Bộ GTVT và các địa phương trong vùng Tây Bắc bàn thảo. Hội nghị đặt ra  giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc quan trọng nhất là vốn. Bởi do các tỉnh trong vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư cho giao thông nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Đây cũng là điều trăn trở của cả hệ thống chính trị và chính quyền các tỉnh trong vùng khi đánh giá thực trạng mạng lưới giao thông Tây Bắc, rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa phương. Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Trên các tuyến quốc lộ vẫn tồn tại cầu yếu, sạt lở, ách tắc về mùa mưa lũ; chất lượng mặt đường còn thấp, cấp hạng kỹ thuật của một số tuyến vẫn thấp so với quy hoạch. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhất trí với các ý kiến, đề xuất của đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương thống nhất tập trung vào 9 giải pháp và kiến nghị đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Bắc đến năm 2020, cụ thể: 

Giao Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tại hội nghị này, chủ trì phối hợp với các địa phương trong vùng tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển giao thông vận tải để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển; xác định thứ tự ưu tiên, lựa chọn những dự án trọng điểm, cấp bách, tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển giai đoạn từ nay đến năm 2020; trong đó, phân công rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương.

Đối với đường bộ, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư ba tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Bắc Kạn, Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn theo hình thức BOT. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay vốn đầu tư dự án Hòa Lạc - Hòa Bình. Đối với các tuyến quốc lộ đang triển khai dở dang sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương đẩy nhanh đầu tư hoàn thành các công trình trên các quốc lộ đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để khai thác công trình đảm bảo an toàn, phù hợp với tổng kinh phí, trọng tâm các tuyến quốc lộ: QL.279B và QL.12 đoạn Km102-Km139+650 (tỉnh điện Biên); QL.4A đoạn qua tỉnh Lạng Sơn; QL37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi (tỉnh Sơn La); Ql.279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô (tỉnh Hà Giang); QL.37 đoạn Km280-Km340 và QL.32C đoạn Hiền Lương - Thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); QL.4E đoạn Km0-Km40+600 và QL.279 đoạn Phó Ràng - Khau Có (tỉnh Lào Cai).

Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục đầu tư tuyến nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đẩy nhanh đàm phán để thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn đến năm 2020 đối với các dự án: Lai Châu - Yên Bái, Yên Bái - Hà Giang, Lạng Sơn - Cao Bằng. Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục để khởi công tuyến cao tốc thành phố Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị. Đối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Đoan Hùng, nhất trí về đề xuất hình thức đầu tư BOT, giao Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo sớm triển khai.

Đối với hàng không, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí nguồn vốn nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; nghiên cứu, xem xét thực hiện hình thức BOT đối với sân bay Lào Cai.

Đối với thủy nội địa, thống nhất chủ trương nâng cấp đường thủy, ưu tiên đoạn Việt Trì - Yên Bái. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương nghiên cứu, tiếp tục cho phép nạo vét luồng tuyến theo hình thức xã hội hóa và có giải pháp để kiểm soát phù hợp trong quá trình thực hiện. Đối với đường sắt, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, năng lực vận chuyển, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có tại vùng Tây Bắc.

Đối với giao thông nông thôn, nhất là tại các xã có tỷ lệ nghèo và cận nghèo trên 40%: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan ưu tiên bố trí vốn cho xây dựng giao thông nông thôn vào các xã nghèo theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng. Ưu tiên hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư các tuyến đường đến trung tâm xã đối với các xã chưa có đường ô tô đi lại được 4 mùa. 

Đối với đường liên thôn, liên bản các địa phương chủ động đầu tư theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (ngân sách địa phương hỗ trợ xi măng, sắt thép, kỹ thuật; nhân dân góp vật liệu cát, sỏi, đá và công lao động làm đường bê tông xi măng). Xử lý đối với nợ đọng vốn các dự án giao thông đã hoàn thành, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, các địa phương bố trí nguồn vốn trả nợ đọng các dự án giao thông đã hoàn thành.

Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác quản lý, giám sát các dự án đầu tư, khai thác giao thông vận tải; quản lý, giám sát các phương tiện tham gia giao thông, chú trọng quản lý chặt chẽ về tải trọng xe.

Các tỉnh trong vùng Tây Bắc nghiên cứu sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động cân đối ngân sách, huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện các dự án phù hợp với khả năng nguồn lực; đối với dự án cấp bách, trong trường hợp không cân đối được bằng ngân sách địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương, phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình triển khai dự án đầu tư trên địa bàn. 
 
Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin Tức
Tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc
Tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), tối 16/7, tại TP Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với tỉnh Sơn La tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc với chủ đề “Mãi ghi ơn những người con trung hiếu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN