Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (đứng giữa) thăm hỏi, động viên 1 trong số 10 bệnh nhân vừa được chuyển về từ Hòa Bình. |
10 bệnh nhân đều tỉnh táo, hồi phục tốt
Sáng nay, Đoàn cán bộ Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến làm trưởng đoàn, đã lần lượt tới thăm và trao đổi với 10 bệnh nhân vừa từ Hòa Bình chuyển về Bệnh viện Bạch Mai lúc 1 giờ sáng nay.
Hiện tại, tại Khoa thận tiết niệu điều trị cho 4 bệnh nhân, khoa Hồi sức tích cực 3 bệnh nhân, Trung tâm chống độc là 2 và khoa cấp cứu là 1 ca. Hầu hết bệnh nhân đều tỉnh táo, chia sẻ được với phóng viên về thời điểm đồng loạt bị sốc, cận kề với hiểm nguy.
Có vẻ rất tỉnh táo, bệnh nhân Bùi Thị Vân (53 tuổi, 3 năm chạy thận), đang điều trị Tại Trung tâm Chống độc, cho biết: "Lúc đó, tất cả bệnh nhân đều bị nôn. Bản thân tôi cũng nôn nhiều và đi ngoài, người không lạnh nhưng run cầm cập. Khi xảy ra sự việc, các bác sĩ tại đó đã cho ngừng chạy thận. Sau đó, thì các bác sĩ ở các khoa khác được tăng cường thêm để cấp cứu cho các bệnh nhân”.
Tại khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân Trần Văn Quang 51 tuổi (TP Hoà Bình), cho biết khi sự cố tai biến y khoa xảy ra ông thấy nóng nhức đầu, buồn nôn, buồn đi vệ sinh sau đó được cấp cứu. Bệnh nhân Quang đã chạy thận 9 năm, trong đó có 7 năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình nhưng từ trước đến nay chưa khi nào phải chứng kiến vụ sốc khi chạy thận nghiêm trọng như mới xảy ra.
Theo các bác sĩ điều trị, trong số 10 bênh nhân từ Hòa Bình chuyển về, hiện chỉ có bệnh nhân Nguyễn Đăng Thiều (45 tuổi) là nặng hơn cả, bệnh nhân đang được lọc máy, điều trị huyết áp tại khoa Hồi sức tích cực.
“Bệnh nhân Thiều đã khá hơn song máu vẫn còn toan nên chúng tôi tiếp tục cho bệnh nhân lọc máu liên tục để lấy bớt toan. Đồng thời, sử dụng thuốc để duy trì huyết áp cho bệnh nhân. Hiện tại, tình trạng sốc của bệnh nhân Thiều đã được cải thiện, dự kiến trong ngày hôm nay có thể “cai” lọc máu”, BS Mai Văn Cường, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Thiệu chia sẻ.
Sau khi thăm hỏi, chia sẻ và động viên 10 bệnh nhân, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã cho biết: Cho đến nay, ghi nhận 7/18 bệnh nhân sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo tử vong. Ngoài 10 bệnh nhân tại Bênh viện Bạch Mai, hiện còn 1 bệnh nhân tại Hòa Bình đang ở trong tình trạng rất nguy kịch. Tại Hòa Bình vẫn có ekip ứng cứu kinh nghiệm nhất để cố giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Chuyển 100 bệnh nhân thận chu kỳ từ Hòa Bình về Hà Nội điều trị
“Sự cố khiến 18 người nghi sốc khi đang chạy thận là sự việc rất hi hữu, không ai lường trước được. Ngay khi xảy ra sự việc, không chỉ ngành y tế rất nhanh, mà ngay trong đêm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lên tận nơi để chỉ đạo sự việc. Bộ Y tế, Sở Y tế Hoà Bình đã có triển khai ứng cứu nhanh, phối hợp với bệnh viện có chuyên khoa là Bệnh viện Bạch Mai để hỗ trợ cấp cứu, điều trị bệnh nhân”, Thứ trưởng Tiến cho biết.
Theo lãnh đạo phụ trách lĩnh vực khám chữa bệnh, trước mắt cần triển khai mọi việc để ổn định sớm nhất tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình. Trong thời gian chờ đợi, Bộ Y tế đã phân công cho các bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận 100 bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Hòa Bình chuyển về.
“Bệnh viện Thận Hà Nội đảm nhiệm 30 bệnh nhân; 70 bệnh nhân còn lại chia đều cho các cơ sở y tế khác cả Trung ương, địa bàn Hà Nội mỗi cơ sở "gánh vác" một chút. Ngành Y tế sẽ bàn bạc về hướng hỗ trợ cụ thể cho các bệnh nhân”, Thứ trưởng Tiến cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin Tức về nguyên nhân ban đầu, Thứ trưởng Tiến khẳng định, cần chờ thời gian để điều tra vụ việc. Tuy nhiên, việc xảy ra đồng loạt 18 bệnh nhân nêu trên là vấn đề liên quan đến cả hệ thống.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, các chuyên gia, ếkip tốt nhất của Bạch Mai đã được chi viện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Các bệnh nhân được chuyển đến viện đảm bảo điều kiện tốt nhất. Dự kiến sau sáng nay, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, GS Trần Gia Bình sẽ lên thẳng Hoà Bình, kế hoạch cố gắng đón nốt một bệnh nhân nặng để tiện hơn cho việc chăm sóc.