Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đình chỉ sản xuất của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (có trụ sở tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) và đang yêu cầu công ty báo cáo đầy đủ về số lượng sản phẩm, khối lượng sản phẩm bị vi phạm an toàn thực phẩm để cung cấp cho các tỉnh thu hồi triệt để sản phẩm vi phạm.
Sở cũng yêu cầu công ty rà soát lại hồ sơ, rà soát lại quá trình để xác định nguyên nhân từ đâu. Khi biết nguyên nhân thì phải có biện pháp khắc phục và báo cáo với Sở để Cục cùng Sở xác định xem biện pháp khắc phục đã đạt hay chưa. Nếu chưa đạt thì chưa cho phép sản xuất trở lại.
“Vấn đề là phải xác định chính xác từ đâu? Từ nguyên liệu, từ quá trình chế biến, từ con người hay từ thiết bị. Như trong y tế, không xác định được nguyên nhân thì không chữa được bệnh”, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, việc xác định nguyên nhân phải có thời gian, phải làm khoa học để xác định đúng. Bởi nếu không xác định đúng nguyên nhân sẽ không khắc phục được.
Ông Tiệp cho rằng, quan trọng đầu tiên là chữa bệnh cho người dân, vấn đề này ngành y tế đang làm rất tốt. Thứ hai là xác định ai đã mua sản phẩm thì phải thu hồi lại. Các sở phối hợp để xác định từng cơ sở phân phối, từng người đã mua để không sử dụng nữa và triệu hồi các sản phẩm chưa sử dụng về tiêu hủy.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các sở để thực hiện những việc này. Không chỉ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Nafiqad đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành; Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh vì sản phẩm không chỉ phân phối ở 1 tỉnh mà nhiều tỉnh, thành. Tất cả các tỉnh, thành đều phải xác định cơ sở phân phối, người đã từng mua sản phẩm này và phối hợp cùng khách hàng để thu hồi, tiêu hủy”, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết.
Về vai trò, trách nhiệm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), ông Tiệp cho biết, vai trò của Chi cục là thẩm định để cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Sau khi cấp giấy chứng nhận thì có trách nhiệm giám sát và thanh tra nếu phát hiện vi phạm. Chi cục đã có trách nhiệm dừng sản xuất và đang yêu cầu doanh nghiệp điều tra xác định nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Khi nào đúng nguyên nhân và có biện pháp khắc phục khoa học thì mới xem xét cho sản xuất trở lại.
Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, hiện cơ chế xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm đã đầy đủ theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Các khung pháp lý có đẩy đủ, vấn đề là triển khai.
Việc công bố chất lượng sản phẩm là doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm nhằm cải cách thủ tục hành chính. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước cũng triển khai như vậy, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là do người sản xuất, người kinh doanh tự chịu trách nhiệm đầu tiên. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm, ông Nguyễn Như Tiệp cho hay.