Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam nói chung và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện thị trường lao động… trong những năm vừa qua.
Bà Carolyn Turk nhận định, Chính phủ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai có hiệu quả các gói an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động. Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức hỗ trợ cho người cao tuổi hàng tháng, thanh toán điện tử trợ giúp xã hội…
Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp trong những năm vừa qua, bà Carolyn Turk cho biết, thời gian tới, WB cam kết cung cấp thông tin đầu vào, chia sẻ ý tưởng về hệ thống an sinh xã hội từ các kinh nghiệm sẵn có; đồng hành và hợp tác với Bộ trong việc hỗ trợ kỹ thuật để cải cách hệ thống hưu trí; áp dụng các phương án kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi số, nhằm đem lại lợi ích, nâng cao hiệu suất hệ thống, đảm bảo tính minh bạch. WB tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân, cùng xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động năng động; đẩy mạnh hệ thống điện tử, số hóa không dùng tiền mặt thực hiện bảo trợ xã hội; hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của Bộ…
Cho rằng những vấn đề WB quan tâm cũng là những ưu tiên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam hướng đến an sinh xã hội toàn dân, tập trung xây dựng lưới an sinh xã hội, đảm bảo sự thụ hưởng cho toàn dân. Trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp, lao động tự do. Về các chính sách bảo trợ xã hội, Việt Nam sẽ nghiên cứu một cách căn bản các chính sách xã hội nhằm mục tiêu phòng ngừa và khắc phục rủi ro không chỉ ở các đối tượng yếu thế mà bao gồm các trường hợp bảo trợ xã hội, quy hoạch lại mạng lưới người có công; xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội.
Về hệ thống bảo hiểm xã hội, Việt Nam đặt mục tiêu bao phủ 60%, kết nối thuế với bảo hiểm xã hội, giảm cơ cấu lao động nông thôn, giảm dần thời gian đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, mức độ đóng góp thấp hơn, tập trung vào bảo hiểm tự nguyện. Thời gian tới, Việt Nam quan tâm sửa Luật Bảo hiểm xã hội, xây dựng bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, có sự chia sẻ giữa các thế hệ, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị WB hỗ trợ đưa ra các dự báo, các kịch bản khác nhau, tạo cơ sở thực tiễn và đẩy mạnh truyền thông tạo sự thay đổi về nhận thức, sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó giải quyết được các vấn đề: chính sách thông thoáng, cởi mở, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên; nâng cao nhận thức người dân…
Về dự án chuyển đổi số, Bộ trưởng đề nghị WB hỗ trợ kỹ thuật để tiến hành triển khai dự án đầu tư mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: chuyển đổi nghề, kỹ năng nghề nghiệp…; chi trả, thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ dự báo cung - cầu (ngắn hạn và trung hạn), cách thức tổ chức sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội đến năm 2030..
Đề nghị WB tiếp tục giúp Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng an sinh xã hội”. Trong thời gian tới, Bộ đặt nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chính sách phát triển bền vững nhằm mục tiêu mọi người đều có cơ hội tham gia, được thụ hưởng thành quả của kinh tế - xã hội, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số…