An ninh lương thực là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt và đây cũng là chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm với mong muốn tìm ra các phương cách hữu hiệu hơn trong việc cải thiện và duy trì sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp toàn cầu. Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 45 tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã dành thời gian trao đổi, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Davos về đề tài thiết thực này. PV: Được biết Bộ trưởng tham dự một số phiên họp tại WEF Davos 2015, các nội dung có sự tham dự của Bộ trưởng tại WEF năm nay là gì, thưa ông?Bộ trưởng Cao Đức Phát: Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2015 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự. Đoàn lãnh đạo Việt Nam đã tham dự Đối thoại Cấp cao của Phiên họp “Chương trình Nghị sự An ninh lương thực toàn cầu”. Sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ tại Phiên này nhằm thể hiện trách nhiệm và đóng góp của Việt Nam vào vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, quảng bá các thành tựu của nông nghiệp Việt Nam và vận động các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với vai trò là người đứng đầu ngành nông nghiệp, tôi cũng có bài phát biểu về phát triển sáng tạo và bền vững ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam còn tham dự phiên làm việc IGWEL về “Xác định những yêu cầu cấp thiết về chính trị, kinh tế toàn cầu năm 2015“. Đây là phiên thảo luận hẹp với lãnh đạo các nước, các tập đoàn về các vấn đề chính trị, kinh tế cấp thiết mang tính toàn cầu, đồng thời cũng là dịp để tiếp xúc với các lãnh đạo các nước và doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Cao Đức Phát (phải) tại WEF 2015. |
Bên cạnh đó, WEF đã mời Bộ trưởng Nông nghiệp Việt Nam là diễn giả chính tham dự Hội thảo về Thành tựu thông qua các đối tác Nông nghiệp. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam Chia sẻ các ưu tiên trong nông nghiệp Việt Nam với các nhà lãnh đạo toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình có nhiều đối tác tham gia như các Nhóm Nhóm công tác PPP (Public – Private Partnership), nhấn mạnh vào kết quả đạt được từ các hoạt động trong các chuỗi giá trị và sáng kiến Tăng trưởng châu Á "Grow Asia", qua đó đóng góp bảo đảm vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
PV: Thưa Bộ trưởng, dự định trong thời gian tới của chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với WEF là gì?Bộ trưởng Cao Đức Phát: Cho đến nay Mô hình PPP nông nghiệp của Việt Nam đã có 6 Nhóm Đặc trách theo từng ngành hàng hoặc lĩnh vực đã được thành lập, bao gồm: Cà phê; Chè; Thuỷ sản; Rau quả; Hàng hoá chung; và tài chính nông nghiệp. Thông qua Mô hình Đối tác công - tư, các Nhóm Đặc trách đang hoạt động rất có hiệu quả trong việc phát triển sản xuất theo quy trình mới, chứng nhận, tiêu thụ, liên kết công tư, tăng cao năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê, thủy sản, rau quả.
Mô hình cũng rất chú trọng đến việc tăng cường năng lực về kỹ thuật cạnh tác, dinh dưỡng, bệnh cây, sử dụng phân bón và thuốc trừ sau, sử dụng giống, thị trường, GAP... cho người nông dân tham gia trong mô hình. Thu hút đầu tư, cải tiến trình độ công nghệ và quản lý nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với các kết quả đã đạt được sau hơn bốn năm thực hiện, Mô hình đối tác công - tư ngành nông nghiệp của Việt Nam đã được WEF đánh giá cao và được xem như là một Mô hình điển hình cho các nước khác học hỏi và nhân rộng.
Trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với WEF để nhân rộng Mô hình PPP nông nghiệp; Kêu gọi các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty đa quốc gia, các công ty trong nước và khối tư nhân tham gia Mô hình; Thành lập Văn phòng điều phối Mô hình PPP Việt Nam. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với WEF để thực hiện sáng kiến "Grow Asia", thực hiện “Liên minh các hành động vì tăng trưởng xanh" (Green Growth Action Alliance A2G2).
Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với WEF để chia sẻ kinh nghiệm, rút ra các bài học của Mô hình đối tác công - tư ngành nông nghiệp của Việt Nam với các nước khác thông qua Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Diễn đàn Kinh tế Đông Á năm 2015 và các cuộc họp của WEF tại Việt Nam trong năm 2015.
PV: Một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới hiện nay là tình trạng nhiều quốc gia tiến mạnh vào công nghiệp hóa mà chưa đầu tư đủ vào nông nghiệp, Bộ trưởng đánh giá ra sao và có một số liên hệ với nông nghiệp Việt Nam ở điểm này?Bộ trưởng Cao Đức Phát:Trong gần 30 năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và tăng thu nhập cho 70% dân số, cùng với xóa đói giảm nghèo cũng như ổn định chính trị xã hội.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật đạt được, những năm gần đây, nông nghiệp bắt đầu bộc lộ một số điểm yếu như phần lớn sản phẩm có giá trị thấp bán trên phân khúc thị trường rẻ, sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân số ngày càng tăng, chính sách phát triển nông thôn còn ít tính đến người nghèo và nhóm dễ tổn thương; đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản.
Đề án"Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 6/2013 để chỉ đạo NN&PTNT và các Bộ ngành liên quan thực hiện như một trọng tâm phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Năm nhóm giải pháp được lựa chọn làm nền tảng thực hiện Đề án tái cơ cấu bao gồm: Cải thiện công tác quy hoạch vùng; Thu hút đầu tư tư nhân; Nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư công; Cải cách thể chế và hành chính; Xây dựng chính sách và khung pháp lý hiệu quả, trong đó nâng cao hiện quả đầu tư công được coi là bước đột phá.
Việc áp dụng các giải pháp này trong từng chuỗi giá trị hàng hóa chiến lược của ngành nông nghiệp như gạo, cà phê, cây ăn quả, rau (trồng trọt), lợn, vịt (chăn nuôi), cá ngừ, tôm, cá tra (thủy sản) … được coi là ưu tiên trước mắt thực hiện tái cơ cấu trong từng lĩnh vực. Việc xác định các ngành hàng chiến lược trong nông nghiệp cần được cân nhắc và tái xác định thường xuyên theo nhu cầu của cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Để tăng cường thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp, chúng tôi đã triển khai Mô hình PPP trong nông nghiệp theo sáng kiến của WEF. Để có thể điều phối tốt Mô hình PPP, trong thời gian tới đây Văn phòng điều phối Mô hình PPP nông nghiệp sẽ được thành lập. Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành nông nghiệp cũng được Bộ hết sức quan tâm.
Trong năm 2014, Bộ NN&PTNT đã chủ trì xây dựng Dự thảo Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp theo đó tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 05/12/2014 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014 giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã chọn năm 2015 là năm về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)