1. Mất tiền mua rèm, mua giấy dán kín vách kính căn phòng để ngăn ánh sáng bên ngoài vào rồi lại bật điện để lấy… ánh sáng; quây căn phòng kín mít để rồi lại chạy quạt tạo gió mát; tốn tiền để tiêu thoát nước (cả nước mưa và nước thải) trong thành phố để rồi lại phải bỏ tiền ra khai thác, làm sạch và vận chuyển nước cung cấp cho sản xuất và đời sống… Đó chỉ là ba trong rất nhiều những điều vô lý trong kiến trúc và cuộc sống hiện nay. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao con người lại không tận dụng những năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để làm lợi cho cuộc sống của mình?
2. Một thống kê của thế giới cho hay, năng lượng tiêu tốn trong các công trình xây dựng (nhà ở, văn phòng, công trình công cộng…) chiếm khoảng 40% tổng năng lượng mà con người sử dụng hằng ngày. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu chính mà con người đang sử dụng chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ đang cạn kiệt với tốc độ rất nhanh. Không những thế, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn gây ra hậu quả to lớn là hủy hoại môi trường, bởi lượng khí có hại mà nó thải ra không những làm ô nhiễm bầu không khí mà còn góp phần đáng kể vào sự nóng lên toàn cầu, điều mà con người không phải chỉ cảm nhận được mà đã bắt đầu phải gánh chịu bởi sự biến đổi khí hậu trên trái đất.
3. Vì vậy, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và tái sử dụng các nguồn năng lượng trong các công trình xây dựng đang trở thành yêu cầu cấp bách. Và, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, việc tiến tới một nền kiến trúc xanh, một thứ kiến trúc thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm.
4. Thực ra, từ thời xa xưa, loài người nói chung, trong đó có cha ông ta đã rất biết sử dụng thiên nhiên vào trong kiến trúc để phục vụ cho cuộc sống của mình với việc tạo ra hệ thống thông gió, sử dụng chiếu sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu thiên nhiên làm cho ngôi nhà “ấm về mùa đông, mát về mùa hè”… Vấn đề là cần biết học hỏi kinh nghiệm từ ngàn đời của cha ông kết hợp với vật liệu và công nghệ hiện đại để tạo ra một nền kiến trúc thân thiện và bền vững.
5. Và, một tín hiệu đáng mừng, ngay đầu xuân mới này, một NGÔI NHÀ XANH vừa được khởi công xây dựng ngày 11/2. Đó là công trình nhà họp tổ dân phố đặt tại ấp 2, xã Long Thới, với kinh phí đầu tư 10.000 USD do Công ty TNHH Holcim Việt Nam (HVL) phối hợp với UBND xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh xây dựng. Vấn đề là Nhà nước cần có những định hướng, chiến lược về kiến trúc và những chính sách cụ thể khuyến khích phát triển KIẾN TRÚC XANH để tạo một nền kiến trúc bền vững, không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn là hành động thiết thực, quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng trong tương lai lâu dài.
Tuệ Duyên