Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt của nhân loại, xóa bỏ dần các giới hạn truyền thống, làm thay đổi không gian kinh tế, xã hội. Đây là cơ hội có một không hai để Việt Nam tham gia vào “chuyến tầu công nghệ 4.0”, hoàn thành khát vọng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Vào cuộc làm ngay
Ngày 14/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Nghị quyết này đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2018), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ: Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm xây dựng Chính phủ điên tử là “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ”, chúng ta cần chuyển sang động từ mạnh hơn để thể hiện sự quyết liệt là làm ngay.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, kể từ khi Chính phủ có chủ chương xây dựng Chính phủ điện tử, các bộ, ban, ngành, địa phương đã bắt tay vào cuộc. Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống nhằm cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp qua mạng.
Tính đến tháng 7/2018, các bộ và các địa phương đã xử lý được nhiều hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp qua mạng. Bộ Công an đã xử lý được khoảng 8,8 triệu hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khoảng 270.000 hồ sơ, Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý hơn 144.000 hồ sơ… Các địa phương xử lý được nhiều hồ sơ qua mạng gồm: Thành phố Hà Nội hơn 225.000 hồ sơ, tỉnh Lâm Đồng hơn 110.600 hồ sơ, tỉnh Cà Mau 95.000 hồ sơ, tỉnh Thái nguyên hơn 91.200 hồ sơ, tỉnh Hà Nam khoảng 82.000 hồ sơ…
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến tháng 6/2018, cả nước có khoảng 136 triệu thuê bao di động và khoảng 52% dân số đang sử dụng internet. Vụ Liên hợp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UNDESA) cho biết, Việt Nam đang xếp hạng thứ 88 trong số 193 quốc gia về Chính phủ điện tử. Thứ hạng này của Việt Nam sẽ được cải thiện nếu Việt Nam biết khai thác tốt tiềm năng sử dụng internet của người dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển Chính phủ điện tử, cải thiện các dịch vụ công thông qua việc áp dụng các giải pháp số.
Theo báo cáo năm 2017 trên cơ sở khảo sát 14.000 người dân Việt Nam về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy có khoảng 37,97% người dân có lắp internet tại nhà (tăng khoảng hơn 6,5% so với năm 2016). 92% người được hỏi sử dụng internet dưới 5 tiếng/ngày. Tỷ lệ người đọc thông tin trên điện thoại di động và máy tính cá nhân là khoảng 84,2%, trong đó 58% đọc trên điện thoại di động.
Trong năm 2018-2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện 128 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở các lĩnh vực: Năng lượng, xúc tiến tương mại, thương mại điện tử, giáo dục và đào tạo, đấu thầu, thú y, thủy sản, đường bộ, tài nguyên… Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử để tiến đến minh bạch, công khai hóa mọi hoạt động, thúc đẩy kinh tế phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân.
Doanh nghiệp sẵn sàng
Nghiên cứu sơ bộ của Công ty Tư vấn BCG cho thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8-18 tỷ USD mỗi năm. Những thay đổi cơ bản là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các nỗ lực cải cách mà Chính phủ đang thực hiện mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin (VINASA) Trương Gia Bình cho biết: Xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn hành động, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống với kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết, quan trọng nhất là cần đủ nguồn lực về nhân lực, vật lực cũng như tài lực, cơ chế đảm bảo thực thi… Đặc biệt, chúng ta cần sự đồng thuận của cả xã hội cùng chung tay hành động, trong đó có các doanh nghiệp về công nghệ thông tin.
Theo nhận định của ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty Cổ phần Misa: Nhìn chung, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khá am hiểu về luật pháp và đặc thù tình hình trong nước để có thể đáp ứng tốt các yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử. Lực lượng làm phần mềm Việt Nam không chỉ có đủ năng lực chuyên môn mà còn đủ về số lượng và chất lượng để có thể đóng góp trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử.
Ông Lữ Thành Long khẳng định: Nếu Chính phủ tin tưởng giao cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thì các doanh nghiệp đều đủ năng lực để thực hiện theo đúng mong muốn về phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty FPT IS cho biết: FPT là tập đoàn sở hữu hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, am hiểu về nghiệp vụ cải cách hành chính nên FPT sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Chính phủ điện tử.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công cuộc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam, tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do đích thân Thủ tướng là Chủ tịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch. Ủy ban có sự tham gia của 8 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng và 4 lãnh đạo doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong tháng 10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phù hợp với xu hướng phát triển chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trình Thủ tướng xem xét, ban hành.
Với sự quyết tâm của Chính phủ và hệ thống chính trị, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.