Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Tập trung nguồn lực đầu tư cho du lịchBáo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sau mười năm thực hiện cho thấy, Luật du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch. Luật du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Từ chỗ du lịch chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ dưỡng đơn thuần, đến nay đã được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và được định hướng phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Luật du lịch đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn vào một số khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam như Quảng Ninh (Hạ Long), Đà Nẵng, Quảng Nam (Hội An), Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa (Nha Trang) với các dự án với quy mô lớn, tạo ra động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng, góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.
Bên cạnh những tác động tích cực, Bộ trưởng nhấn mạnh quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành. Một số nội dung quy định trong Luật chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế. Quy định về chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là việc hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa cụ thể, thiếu tính khả thi, khó triển khai trên thực tế. Luật Du lịch chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể quản lý tài nguyên và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp trong việc xác định giá trị, đánh giá, phân loại, quản lý tài nguyên du lịch đảm bảo khai thác tài nguyên du lịch một cách bền vững. Điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa tại Luật du lịch được quy định đơn giản hơn so với điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, không cần giấy phép, không cần tiền ký quỹ. Đây là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự bất bình đẳng, sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch là công dân Việt Nam thấp hơn cho khách du lịch là người nước ngoài, hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa thiếu trật tự, quyền lợi cho khách du lịch chưa được đảm bảo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc xây dựng Luật du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) có 10 Chương, 79 Điều, được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật du lịch hiện hành.
Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọnQua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch để tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững. Luật du lịch (sửa đổi) phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương.
Các ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước ta có chính sách xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Để đảm bảo thực hiện điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều so với Luật du lịch hiện hành là sự sửa đổi lớn, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn bởi những nội dung sửa đổi này đã đáp ứng được yêu cầu đề ra là xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành kinh tế tổng hợp hay chưa?.
Đánh giá du lịch của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu biển, rừng của nước ta không thua kém nước nào nhưng khách du lịch nước ngoài ít đến Việt Nam hoặc đến một lần rồi đi. Luật sửa đổi phải giải quyết được vấn đề sau khi luật sửa đổi ra đời phải thu hút được đông khách đến và quay lại đất nước mình. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải quảng bá về du lịch của đất nước thông qua văn hóa, phát triển du lịch không thể tách rời với văn hóa thì mới thành công được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Trên cơ sở thống nhất với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật: “Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều 5 còn chung chung, chưa được cụ thể hóa thành các quy phạm tại các điều khoản cụ thể trong Luật; đồng thời, Dự thảo Luật cũng chưa đưa ra được những chính sách đặc thù, mang tính đột phá để đảm bảo cho du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ban soạn thảo cần rà soát các quy định pháp luật liên quan về ưu đãi đầu tư (theo Luật đầu tư 2014); đồng thời nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch.
Dẫn Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 nêu: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và đảm bảo an toàn, an ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc quy định về cơ chế chính sách, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện cần được củng cố thêm. Dẫn dụ Điều 5 dự thảo liệt kê ra tới 8 khoản về "chính sách phát triển du lịch" nhưng nhìn lại các chương tiến theo, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu thấy rằng đây là những quy định chung chung, chưa rõ các chính sách như khuyến khích đầu tư, xây dựng cơ sở đào tạo du lịch... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, các quy định hiện hành còn gì chưa hợp lý ta phải thấy rõ, nội dung nào chưa có thì phải quy định vào dự thảo luật...
Làm rõ khái niệm về du lịch
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc ban soạn thảo giải thích "Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác" là chưa thỏa đáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng ban soạn thảo vẫn kế thừa khái niệm cũ về du lịch, tức là du lịch là việc người ta đi ra khỏi nhà không quá 1 năm để học hành, nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí hoặc kết hợp việc khác. Đánh giá nếu quy định du lịch chỉ là thế thì du lịch chưa thể là ngành tổng hợp, khái niệm về du lịch trong dự thảo còn hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng khái niệm du lịch phải mở ra với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp gắn với văn hóa và tính xã hội hóa, hội nhập rất cao, khái niệm ngành du lịch phải rất là rộng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, việc giải thích từ như như quy định tại Điều 3 là không thể hiện được bản chất của du lịch. Đại biểu phân tích "bản chất của du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải một cách hợp pháp nhưng trong khái niệm được Ban soạn thảo nêu ra không nêu được hai cả vấn đề bản chất đó.
Nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ đâu?
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quy định trong dự thảo Luật. Theo đó, Quỹ được thành lập để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động du lịch Việt Nam. Chính phủ quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, quỹ này rất cần thiết nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo cán bộ. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật vẫn chưa khả thi vì không có nguồn hình thành quỹ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị, Quỹ này muốn phát triển không thể để Nhà nước bao cấp được, Nhà nước chỉ có phần vốn “mồi” nào đó, Quỹ phải hình thành trên cơ sở xã hội hóa rất mạnh, các doanh nghiệp du lịch phải nộp tiền vào đây. Và quỹ này không phải Nhà nước quản lý nữa, người quản lý phải là một bộ máy độc lập với Nhà nước để chi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, thì mới hình thành được, nên trong Luật này phải quy định rõ hơn ra, đại biểu Định nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với việc thành lập Quỹ nhưng cần bổ sung vào Điều 6 về mặt nguyên tắc nguyên tắc nguồn quỹ, sau đó mới giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thống nhất với chủ trương thành lập Quỹ và đề nghị đặt tên Quỹ là Quỹ xúc tiến du lịch để tập trung vào mục đích chính của Quỹ là quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể nguồn thu, chủ thể quản lý, nguyên tắc, cơ chế điều hành Quỹ để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ trong việc hướng dẫn thực hiện, đảm bảo tính khả thi của điều luật.
Theo chương trình làm việc, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.