Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: “Để thực hiện được khát vọng đó cần có các giải pháp với quan điểm, tư duy, tầm nhìn và triết lý để phát triển mới. Quan điểm phát triển bao trùm, xuyên suốt của tỉnh thời gian tới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững. Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là tư duy phát triển xuyên suốt nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Lấy con người làm trung tâm; lấy khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Lấy giá trị văn hóa xứ Đông làm nền tảng, động lực quan trọng và thông qua phát triển để thúc đẩy, nâng tầm văn hóa Hải Dương”.
Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2030 gồm Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển.
Bốn trụ cột là công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Ba nền tảng là văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương. Ba đô thị động lực là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, thị xã Bình Giang. Ba trục phát triển theo trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, trục dọc theo sông Thái Bình. Triết lý phát triển là "Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt".
Với quan điểm, tư duy, tầm nhìn và triết lý phát triển đó, một số nhiệm vụ chủ yếu được Tỉnh ủy Hải Dương tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tiếp cận nhanh với chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số với 4 trụ cột.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng cho rằng, địa phương đang quyết liệt, chủ động thích ứng với tình trạng “bình thường mới” và tập trung khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Kiểm soát và phòng, chống tốt dịch bệnh COVID-19, đồng thời sớm hồi phục và lấy lại đà phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ của tỉnh.
Tập trung phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu. Thực hiện tốt công tác thu chi ngân sách, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; đồng thời, huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ, bền vững.
Tập trung đầu tư xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; đảm bảo đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh... để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của thành phố Hải Dương; thực hiện nâng cấp và phấn đấu xây dựng các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị xã Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025; các huyện: Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang trở thành đô thị loại IV, thị xã Kinh Môn trở thành thành phố và thành phố Chí Linh đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2030; nâng cấp các xã có điều kiện kinh tế phát triển trên địa bàn tỉnh trở thành đô thị loại V theo lộ trình phát triển đô thị… để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Hải Dương tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chủ động nắm bắt, tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực đang diễn ra hiện nay để nâng cao năng lực thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài, hấp thu và chuyển hóa ngoại lực (vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vay Chính phủ, nguồn viện trợ phi chính phủ, kiều hối...) thành nội lực.
Việc thu hút nguồn vốn đầu tư cần ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng; lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng cho rằng, bên cạnh đó Hải Dương tận dụng cơ hội khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết với các đối tác để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Thực hiện phân công, phân cấp và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Xây dựng chính quyền điện tử nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, giữa các sở, ngành, địa phương, tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả cao và hướng tới sự hài lòng của người dân.
Tiếp tục thực hiện đổi mới các hoạt động giáo dục và đào tạo, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh; quan tâm xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đầu tư cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã; đồng thời, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hành nghề y, dược tư nhân. Phát huy các giá trị văn hóa và chăm lo xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, đạo đức, lối sống và nhân cách, trách nhiệm xã hội; về trí tuệ; về thể lực; từng bước hình thành “công dân điện tử”.
Quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; phát triển và hoàn thiện đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần và cải thiện chất lượng, môi trường sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Tập trung nguồn lực khoa học - công nghệ của tỉnh cho các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Tập trung các biện pháp nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện.
Với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương; quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Hải Dương; sự đồng lòng, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Hải Dương sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Hải Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.