Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có các đồng chí thường trực Hội đồng, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền. Gần 20 tham luận đã được gửi tới Ban tổ chức hội thảo.
Sau phát biểu chỉ đạo, gợi mở của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng về một số vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra trong qua trình xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Báo cáo đề dẫn do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng đã khái quát những thành tựu, hạn chế cũng như những bước phát triển nhận thức của Đảng ta về xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua 35 năm đổi mới.
Đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tiếp tục bổ sung, phát triển, thể hiện: Thứ nhất, Đảng ta khẳng định “xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo đó, Đảng chỉ rõ định hướng giai đoạn 2021 - 2030 là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Thứ ba, từ quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, nhiều yêu cầu vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá đã được đề ra nhằm “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Hội thảo là một bước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét cả về giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền nói chung và đặc thù của Việt Nam nói riêng.
Tại Hội thảo, từ nhiều góc độ, các ý kiến trao đổi tập trung thảo luận sâu 5 nhóm vấn đề: Làm rõ bản chất, đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân do dân, vì dân; Thực trạng cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra; Thực trạng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ở Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra; Làm rõ thực trạng và định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tập trung nêu những đề xuất mới về xây dựng nền lập pháp, hành pháp và tư pháp Việt Nam; thực trạng hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam; thực trạng cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra.
Các ý kiến cũng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vai trò chủ thể của Nhân dân, làm rõ vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ để làm rõ vai trò của Nhà nước pháp quyền; nghiên cứu Nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là thực tiễn quan trọng để xây dựng các giải pháp hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam và những biến đổi của tình hình quốc tế, khu vực.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đánh giá Hội thảo đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Hội thảo tiếp tục khẳng định, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, được cụ thể hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Các tham luận tại Hội thảo tiếp tục làm rõ hơn bản chất, đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; làm rõ thực trạng vai trò, tổ chức và hoạt động của các thiết chế, cơ quan trong bộ máy Nhà nước ở Việt Nam; thực trạng xây dựng nền hành chính nhà nước và hoạt động của chính quyền địa phương trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra; thực trạng cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam; thực trạng xây dựng nền tư pháp Việt Nam; thực trạng hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam; thực trạng và những vấn đề đặt ra về cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam; thực trạng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ở Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra...
Nội dung của các bài tham luận và ý kiến phát biểu trong cuộc hội thảo sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.