Xây dựng Luật Quy hoạch cần đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu

Mặc dù, còn nhiều ý kiến cần được tiếp tục làm rõ, nhưng đến nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung, tạo khuôn khổ cho việc xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động quy hoạch riêng rẽ.

Diện mạo thành phố Thanh Hóa ngày càng thay đổi theo hướng giàu đẹp nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, Luật Quy hoạch lần này “không lấy đi nhiệm vụ chức năng của ai và không ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của các bộ ngành”. Luật sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch đang được hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Dự thảo Luật Quy hoạch bao gồm 6 chương và 69 điều.

Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh các loại quy hoạch và giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh, thực hiện các loại quy hoạch, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo, còn có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều vấn đề cần làm rõ, Luật Quy hoạch nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng đến 32 luật liên quan khác. Và để sửa đổi các luật này thì cần phải mất tới 5 năm. Vì vậy, cần có sự cân nhắc, tham vấn các bên liên quan thật kỹ, để luật được ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội.

Dưới góc độ chuyên gia, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, về cả nội dung và hình thức, dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch của nước ta, mà việc ban hành sẽ khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, chi phí tốn kém nhưng ít hiệu quả trong các hoạt động quy hoạch hiện nay.

Dự thảo quy định hệ thống quy hoạch quốc gia, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền trong lĩnh vực quy hoạch; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch, các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc chế tài các vi phạm…

“Quy định như vậy đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung, đủ sức làm khuôn khổ cho việc xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động quy hoạch riêng rẽ”, TS. Phạm Sỹ Liêm bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, về cơ cấu của luật thì có một vài vấn đề chưa hợp lý, cụ thể là việc đưa các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia vào Chương trình lập quy hoạch. Xác định hệ thống quy hoạch là một mục tiêu chủ yếu của luật, vì vậy nên hình thành một Chương riêng, còn lập quy hoạch chỉ là một khâu trong quy trình quy hoạch.

Ngoài ra, nên gọi hệ thống quy hoạch là hệ thống quốc gia để làm nổi bật vai trò quan trọng của nó và vai trò của Quốc hội đối với lĩnh vực quy hoạch và cách gọi như vậy cũng là đúng với thông lệ quốc tế.

Thống nhất về sự cần thiết xây dựng luật Quy hoạch mới nhưng GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đề cập những điểm vênh đã bộc lộ của dự thảo luật này so với Luật Đất đai hiện hành.

Theo ông Đặng Hùng Võ, dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch; trong đó, có quy hoạch sử dụng đất, vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất. Trình tự, thủ tục của quá trình tích hợp phải được quy định rõ ràng, mô tả đầy đủ công việc của các cơ quan quản lý ngành, trong đó có cơ quan quản lý đất đai.

Mặt khác, khung pháp luật về quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 cũng cần được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

“Vấn đề còn lại là ở khâu thực thi. Thay đổi cơ chế phối hợp để có quy hoạch tích hợp. Do tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành nên sản phẩm quy hoạch là “mẫu số chung”, dựa vào đó các ngành trung ương, địa phương triển khai lập các quy hoạch cấp dưới”, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh thêm.


PGS.TS. KTS Trần Trọng Hanh lại cho rằng, dư luận băn khoăn, cân nhắc về những “được” và “mất” với giả thiết luật Quy hoạch lần này được thông qua, áp dụng vào cuộc sống.

Theo ông Trần Trọng Hanh, “cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”. Còn cái được ở đây là cơ hội để chúng ta cải cách quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, ông Hanh nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Vũ Quang Các phân tích, quy hoạch là một công cụ hết sức quan trọng của nhà nước.

Dự án Luật Quy hoạch ra đời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch trên cơ sở khắc phục các tồn tại, yếu kém của hoạt động quy hoạch và đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch để đáp ứng được các yêu cầu, thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, dự án Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.

“Mặc dù, còn nhiều ý kiến cần được tiếp tục làm rõ nhưng nguyên tắc của xây dựng luật là từ trên xuống và vì lợi ích quốc gia lên hàng đầu, do vậy nếu quy hoạch quốc gia mà lợi ích vùng, lợi ích tỉnh bị mâu thuẫn thì phải ưu tiên cho lợi ích quốc gia”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
 
Thúy Hiền (TTXVN)
  Luật Quy hoạch là “khung” để xây dựng các luật chuyên ngành
Luật Quy hoạch là “khung” để xây dựng các luật chuyên ngành

Việc ban hành Luật Quy hoạch được kỳ vọng sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN