Xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế hành chính

Ngày 15/12, tại huyện Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”.


Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc.


Sau gần 8 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 178), Phú Quốc đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Nổi bật là kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, GDP tăng bình quân hàng năm hơn 22%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50 triệu đồng/người/năm, lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm khoảng 13%, thu ngân sách tăng bình quân hàng năm hơn 36%, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã được quy hoạch và triển khai đầu tư; các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, xây dựng, vận tải (cả đường biển, đường hàng không và đường bộ) phát triển nhanh; công tác bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên du lịch và vệ sinh môi trường được chú trọng; các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được củng cố, tăng cường… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quyết định 178 vẫn chậm so với yêu cầu đặt ra do khó khăn về nguồn vốn ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng các công trình; quy hoạch sử dụng đất còn nhiều chồng chéo; công tác tổ chức lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm…


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà huyện đảo Phú Quốc cần phải khắc phục, trong đó nổi lên công tác quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai…


Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc cần tập trung mạnh công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trước mắt, tỉnh Kiên Giang phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành chức năng trong việc cập nhật, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch theo hướng xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, tiến tới xây dựng Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế hành chính.


Nhằm đưa Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo Phú Quốc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trước hết là phát huy lợi thế về nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; nghề biển; du lịch, dịch vụ thương mại; nông nghiệp… Đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho người dân; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức lưu ý Kiên Giang, Phú Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm của huyện, nhất là các dự án giao thông (đường trục chính trên đảo, các đường ven quanh đảo), điện, cung cấp nước sạch. Quyết liệt bảo vệ môi trường; giữ rừng, trồng và phát triển rừng trên địa bàn huyện đảo; bảo vệ tốt môi trường trên bờ biển… là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch và thu hút khách du lịch đến Phú Quốc.


Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể với 2 kiến nghị của tỉnh Kiên Giang là: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020, trước mắt, để giải quyết các vấn đề cấp thiết về cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, đề nghị Chính phủ phê duyệt Nghị định ban hành cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc; kiến nghị Chính phủ xem xét, phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quốc.


lCùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và cắt băng khánh thành Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham dự.


Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là dự án sân bay quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức đầu tư bằng 100% nguồn vốn doanh nghiệp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự án do Công ty tư vấn thiết kế CPG-PAE (Xinhgapo-Mỹ) thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại và đồng bộ gồm: Khu bay với đường cất, hạ cánh, 8 đường lăn, sân đậu máy bay với 8 vị trí đậu, nhà ga hàng hóa, hệ thống đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế… Nhà ga hành khách được bố trí thành 2 cao trình, đi và đến tách biệt với tổng diện tích sàn trên 24,3 nghìn m2 với các thiết bị hiện đại, đáp ứng phục vụ trên 2,65 triệu hành khách/năm.


* Sáng cùng ngày, VietJetAir đã khai trương đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Phú Quốc. Đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Phú Quốc bước đầu sẽ được VietJetAir khai thác mỗi ngày một chuyến bằng máy bay Airbus A320 mới, với sức chứa 180 hành khách. Chuyến bay sẽ cất cánh từ TP Hồ Chí Minh vào 7 giờ 15 sáng và đến Phú Quốc vào lúc 8 giờ 5 hàng ngày. Chuyến bay ngược lại từ Phú Quốc về TP.HCM sẽ khởi hành vào 8 giờ 40 cùng ngày.


Thiện Thuật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN