Tiếp tục chương trình làm việc tại Quảng Ninh, ngày 27/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo được Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính: Quảng Ninh là tỉnh nằm trong tam giác động lực phát triển vùng Đông Bắc, có biên giới cả trên đất liền và trên biển, trữ lượng than đá lớn nhất Đông Nam Á, hội tụ nhiều di sản, danh lam thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên.
Trong chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", tỉnh tổ chức thực hiện linh hoạt sáng tạo 3 đột phá chiến lược với 9 trọng tâm, bao gồm tập trung quy hoạch xây dựng chiến lược từ tỉnh đến huyện; đẩy mạnh cải cách về thể chế và đề xuất cơ chế chính sách thông qua; phát triển "xanh" theo hướng dựa vào không gian kinh tế xã hội "một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá"; nâng cao hiệu quả ứng dụng và chuyển giao và làm chủ khoa học công nghệ; thực hiện các biện pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xây dựng kết cấu đồng bộ bằng việc xây dựng các nguồn lực; xác định thực hiện chương trình quốc gia nông thôn mới là trọng điểm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia đóng mới tàu Kiểm ngư 785. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Nhờ vậy về tăng trưởng GDP Quảng Ninh duy trì tốc độ khá, đạt 6,9% trong 6 tháng đầu năm 2014, thu ngân sách luôn đứng vào tốp 5 tỉnh, thành phố cao nhất nước, đạt hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 14%. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đưa điện lưới quốc gia đến tận thôn bản ở đất liền và đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô bằng ngân sách tiết kiệm; đồng thời là địa phương đầu tiên nhận làm chủ đầu tư đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng theo hình thức PPP.
Hiện Quảng Ninh đang đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn theo hình thức BOT; chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia các tổ máy điện Mông Dương 1, Mông Dương 2, đưa Quảng Ninh là trung tâm nhiệt điện của cả nước. Về cải cách hành chính, tỉnh đã điều chỉnh đơn giản hóa 80% thủ tục hành chính. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51% lên 60%. Thu hút vốn FDI đầu năm 2014 đạt 283 triệu USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Đến nay trong số 16 chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 4 chỉ tiêu phải phấn đấu tích cực, quyết liệt hơn nữa gồm tăng trưởng GDP, giá trị gia tăng thêm ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Hiện địa phương đang phải đối mặt với 2 mâu thuẫn xung đột, 4 thách thức, 9 hạn chế yếu kém cản trở quá trình phát triển. Đó là mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn. Thách thức phải phát triển nhanh, bền vững, đồng thời phải góp phần đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới, giải quyết an sinh xã hội, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường sống.
Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Trung ương sớm thông qua Đề án xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn; giúp tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực khác biệt; mở rộng các cảng và các khu vực phòng thủ trên một số đảo; để lại một phần số thu thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn để địa phương có nguồn đầu tư hạ tầng xuất nhập khẩu.
Gợi mở nhiều nội dung thảo luận quan trọng, Chủ tịch nước đánh giá cao vị trí chiến lược của Quảng Ninh trong tam giác kinh tế trọng điểm, có vai trò quan trọng trong quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại. Thời gian qua đời sống kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng của địa phương có nhiều chuyển biến, quy mô kinh tế phát triển khá. Tuy nhiên so với các trung tâm kinh tế có điều kiện tương đồng của các nước trong khu vực, Quảng Ninh vẫn còn thua kém.
Chủ tịch nước cho rằng về kinh tế, Quảng Ninh vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, còn thiếu sản phẩm mang dấu ấn tri thức chất lượng cao. Lưu ý sức ép cạnh tranh của thời điểm hội nhập đang đến gần, Chủ tịch nhấn mạnh, để đạt tăng trưởng "hai con số", vướng mắc lớn nhất với Quảng Ninh là cơ chế. Để tháo gỡ điều này, tỉnh phải tích cực hiến kế, mạnh dạn đề xuất; phát huy tối đa nội lực để hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh, đồng thời tạo đà cho những giai đoạn tiếp theo.
Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị các ban, ngành tỉnh khai thác lợi thế địa kinh tế, thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh mô hình phát triển phù hợp.
Về kiến nghị cho Quảng Ninh hình thành đặc khu kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng tỉnh cần học tập kinh nghiệm các nước có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đảo tại những vùng thiên nhiên ưu đãi, chăm lo đời sống người dân vùng sâu vùng xa, Quảng Ninh cần tháo gỡ những nhân tố gây mất ổn định, chú ý những biểu hiện trên tuyến biên giới, đảm bảo xây dựng Quảng Ninh thành khu vực vững chắc về an ninh quốc phòng và hợp tác quốc tế tích cực.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tỉnh cần giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô. Tỉnh cũng cần lựa chọn dự án công nghệ cao trong thu hút đầu tư, tăng cường chế biến sâu với hàng nông sản để nâng hiệu quả kinh tế; đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương và cho cả nước.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân. Đây là doanh nghiệp Liên doanh giữa Công ty Cổ phần đầu tư Cái Lân và Công ty SSA Holdings International Việt Nam. Với công suất thiết kế 520.000 TEU/năm, sau gần 2 năm chính thức đi vào hoạt động, năng suất khai thác của CICT đạt trung bình 40 công-ten-nơ một giờ một cẩu, vượt mức tiêu chuẩn thế giới.
Báo cáo Chủ tịch nước cùng đoàn công tác, lãnh đạo Cảng cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế khi sở hữu nhiều cảng lớn, trong đó có Cái Lân. Trong khi 90% hoạt động thương mại thế giới được thực hiện qua đường biển, việc khai thác các cơ sở cảng này đều dưới mức thiết kế. Bài toán đang đặt ra là nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút tàu lớn đến làm hàng. Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền cùng trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập về hạ tầng kết nối với cảng biển chưa đồng bộ, công suất sử dụng cảng thấp, chi phí dịch vụ phải cắt giảm.
Thăm Công ty đóng tàu Hạ Long, Chủ tịch nước đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công và bàn giao vận hành tàu Kiểm ngư 782. Đây là tàu Kiểm ngư lớn thứ 2 được đóng với tiêu chuẩn quốc tế, có tải trọng và độ giãn nước lớn, đảm bảo đi biển dài ngày trong điều kiện thời tiết khó khăn.
Bày tỏ mong muốn tiếp tục được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đóng tàu cho lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, đại diện của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy, Công ty đóng tàu Hạ Long đã báo cáo về kết quả tái cơ cấu, tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh. Sau hơn 3 năm tái cơ cấu, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy đã tương đối hoàn thành về chỉ tiêu tài chính, với các hình thức gia hạn, mua lại; trả cơ bản xong nợ nước ngoài. Việc giảm biên chế được thực hiện chặt chẽ với đội ngũ tinh gọn khoảng 8.000 người. Tổng Công ty đang thực hiện chương trình "thép hóa" vỏ tàu cho ngư dân, sắp tới thí điểm bàn giao 10 con tàu để khảo nghiệm tính ưu việt.
Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy cần rà soát các khoản nợ của các đơn vị thành viên, có kế hoạch trả nợ lấy từ các khoản lãi, nhanh chóng trả hết nợ để lấy lại uy tín. Đề nghị các bộ, ngành cùng theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của đơn vị, Chủ tịch nước gợi mở quá trình giảm biên chế, doanh nghiệp phải lựa chọn, giữ được những người lao động có tâm huyết, tay nghề cao; thực hiện đoàn kết nội bộ, đưa đơn vị phát triển. Cùng với tìm kiếm các đơn đặt hàng từ nước ngoài, phải chú ý đến nhu cầu từ trong nước, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo hiệu suất, tính năng cho các sản phẩm phục vụ ngư dân và thực thi pháp luật.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đến thăm Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh; Điện lực tỉnh Quảng Ninh.
Hoàng Giang/TTXVN