Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Các ý kiến tập trung phân tích sự cần thiết, quan điểm xây dựng dự án Luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; hồ sơ dự án Luật; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể của 8 Luật; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của Luật.
Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).
Theo đó, hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật) là: có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Nhấn mạnh quy định như dự thảo Luật chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong triển khai các dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), đối chiếu với nguyên tắc đặt ra là phòng ngừa trục lợi chính sách, lợi ích nhóm… thì cần xem xét thêm. Đại biểu cho rằng việc quy định thêm quyền sử dụng đất khác không phải đất ở sẽ mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Các nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất hợp pháp không phải đất ở, kể cả là đất nông nghiệp nhưng nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch cũng sẽ được đầu tư làm nhà ở thương mại.
Từ những dẫn chứng một số dự án tại TP Hồ Chí Minh, Bình Định là đất nông trại, đất khu công nghiệp nhưng nếu áp dụng theo dự thảo Luật hoàn toàn có quyền chuyển đổi sang đất ở mà không phải qua đấu thầu, đấu giá, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện hơn các tác động của chính sách; lợi ích giữa nhà đầu tư, cộng đồng và người dân; dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất… nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu phân tích sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết của Dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô mặt cắt ngang; phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành; cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án,…
Phát biểu tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách Nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, tập trung vào các dự án chưa triển khai và thúc đẩy các dự án đang triển khai. Để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế… đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.
Đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: sự cần thiết ban hành Nghị quyết; thẩm quyền ban hành Nghị quyết, về tính đầy đủ, hợp lý của hồ sơ trình; phạm vi chính sách trong dự thảo Nghị quyết; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đất đai, quy hoạch; về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức...
Các đại biểu khẳng định, việc ban hành Nghị quyết là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.