Theo Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả, thành tựu toàn diện trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau hậu quả của đại dịch COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò là địa bàn chiến lược, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo lớn nhất của vùng và cả nước. Sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố có ý nghĩa quan trọng, tạo sức lan tỏa và động lực cho sự phát triển của cả Vùng Đông Nam Bộ cũng như miền Nam và cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố năm 2022 ước tăng hơn 9% (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt 49,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan, ước đạt 457,5 nghìn tỷ đồng, vượt 18,4% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ.
An sinh xã hội và công tác đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, bảo đảm chăm lo đời sống người dân, góp phần vào kết quả chung của đất nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn: tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, chưa thực sự tạo động lực dẫn dắt, thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội; kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân và trẻ em độ tuổi từ 5 đến 12 còn thấp.
Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Thành phố không chủ quan, thỏa mãn, tập trung phát huy những thành quả đã đạt được; tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát các nhiệm vụ, dự án: Chỉ đạo đẩy tiến độ quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch chung thành phố Thủ Đức; triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2022; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn các dự án trọng điểm: tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên; tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành - Tham Lương; đường Vành đai 3 địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Tại Thông báo trên, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và địa phương các cấp của Thành phố tập trung tổ chức thực hiện tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo ba động lực tăng trưởng
Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội ban hành. Tập trung chỉ đạo ba động lực tăng trưởng có kết quả ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển kinh tế - xã hội (dịch vụ tiêu dùng; đầu tư công; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa).
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu đổi mới, sáng tạo về ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; là đầu tàu, hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước; trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao mang tầm khu vực, quốc tế; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, đa dạng thị trường; kinh tế tuần hoàn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống
Đồng thời, Thành phố thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; chăm lo đời sống người dân, hộ gia đình chính sách, khó khăn, người có công với cách mạng; thúc đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà cho người lao động.
Chú trọng hơn nữa và quan tâm phát triển văn hóa, xã hội xứng tầm với vị trí chính trị, kinh tế của Thành phố; phát triển văn hóa gắn với du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc một cách phù hợp, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi để Thành phố triển khai hoàn thành nhiệm vụ.